Vụ việc gây xôn xao tuần qua là vụ nữ giáo viên bị đồng nghiệp "cưỡng chế" ra khỏi lớp học ở Thừa Thiên Huế. Trong clip được đăng tải lên mạng xã hội Facebook, một giáo viên nam có hành động "khóa tay" nữ giáo viên, đưa nữ giáo này ra khỏi lớp học trước sự chứng kiến của một giáo viên nữ khác và nhiều học sinh trong lớp. Sự việc xảy ra ở Trường THPT Hai Bà Trưng.
Hiệu trưởng nhà trường sau đó cho biết, thầy giáo trong clip đã khiến người xem hiểu nhầm vì hành động "hơi cứng", "clip chỉ là phần cuối của câu chuyện xảy ra trong lớp nên bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc". Nhà trường đã báo cáo lên lãnh đạo Sở GDĐT và Thành uỷ Huế về sự việc.
TP.HCM lùi giờ học các cấp
Sau những ý kiến trái chiều của dư luận và phụ huynh, Sở GDĐT TP.HCM đã quyết định lùi giờ học cho các cấp học trên địa bàn. Theo đó, giờ vào học buổi sáng của học sinh mầm non và tiểu học không sớm hơn 7h30; học sinh THCS không sớm hơn 7h15; học sinh THPT không sớm hơn 7h. Căn cứ mốc này, tùy điều kiện cơ sở vật chất và tình hình giao thông từng khu vực, các trường được xây dựng giờ vào học, ra về theo hướng lệch ca giữa các khối lớp, nhưng cần đảm bảo chương trình cũng như sức khỏe học sinh.
Chiều 29/10, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, việc TP.HCM quyết định lùi giờ học sáng theo ý kiến của 93% phụ huynh là hợp lý.
6 cơ sở giáo dục của Việt Nam lọt top tốt nhất thế giới
Tổ chức Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2023 (World University Rankings). 6 đại học của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng uy tín bậc nhất thế giới này gồm có Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn giữ vững vị trí xếp hạng trong top 500 thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội ở top 1.001-1.200. 3 trường còn lại là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng ở vị trí 1.501+.
Diễn biến mới vụ thầy giáo bị tố gạ tình nữ sinh
Thông tin từ Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cho hay, trường đã quyết định cho ông T.V.T. thôi giữ chức vụ Trưởng bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Trước đó, giảng viên T. nhận hình thức kỷ luật Khiển trách.
Ông T. - thầy giáo có liên quan đến vụ việc một nữ sinh tố cáo bị gạ tình, sàm sỡ - vốn là giảng viên môn Quốc phòng an ninh, khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe.
Vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị phạt tối đa 150 triệu đồng
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP vừa được ban hành quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (gọi là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Đáng chú ý, nghị định đã có sự thay đổi về mức phạt vi phạm quy mô lớp học. Mức phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học như sau: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 30% đến dưới 50%. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên. Ngoài ra, phạt tiền từ 14 – 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm; phạt tiền từ 13 – 15 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài kiểm tra, bài thi của thí sinh…
Bộ trưởng GDĐT đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho giáo viên mầm non
Phát biểu trước Quốc hội về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, Bộ trường Nguyễn Kim Sơn cho biết, số giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung lên đến 107.000.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT là thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết; thiếu do tăng dân số tự nhiên; do biến động dồn dịch về dân số, một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện tại, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Liên tiếp các bạo lực học đường mà nữ sinh là nạn nhân
Giữa tuần vừa qua, nữ sinh N.P.T.L, lớp 7C, Trường THCS K'Đơn, tỉnh Lâm Đồng bị đánh hội đồng đến ngất xỉu, được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Đơn Dương trong tình trạng bị choáng, chấn thương vùng đầu, mặt và mắt phải phù nề, trên đầu có vết rách. Hiện tinh thần của nữ sinh vẫn chưa ổn định.
Ở một nơi khác là tại Đắk Lắk, trong clip đăng trên mạng xã hội, nữ học sinh mặc quần xanh áo trắng, đeo khăn quàng, trên vai mang chiếc cặp bị một nhóm nữ sinh khác dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu.
Thời điểm xảy ra sự việc, nhiều học sinh khác có mặt tại đây nhưng không ai chạy tới can ngăn. Thậm chí, còn có tiếng reo hò, đốc thúc: "Thêm cú nữa đi". Sự việc được xác định là xảy ra đối với học sinh Trường THCS Nguyễn Du, thị xã Buôn Hồ.
Tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cũng xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhóm nữ sinh là học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thông Thụ đánh bạn ngoài đường, giữa đêm tối.
Có thể thấy thời gian gần đây, nạn nhân của các vụ bạo lực học đường đều là nữ sinh.
Theo các chuyên gia, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ… Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bột phát.