Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm bạn trẻ hoá trang Halloween bằng việc nằm giả chết rồi đắp chiếu, cắm nhang ở giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) khiến dư luận xôn xao. Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải đã nhận sự quan tâm của dư luận. Đa số lên án cho rằng hành động này quá phản cảm.
Lễ hội Halloween là kết quả của nhiều sự biến đổi trong hàng thế kỷ. Song giờ đây, các hoạt động trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi. Halloween cũng đã rất phổ biến tại Việt Nam và dần được giới trẻ đón nhận như là một lễ hội cho riêng mình.
All Hallows' Evening (viết tắt là Halloween) thường được biết đến với cái tên "Lễ hội ma quỷ" hay "Lễ hội hóa trang" - là lễ hội truyền thống có nguồn gốc từ phương Tây, diễn ra vào ngày 31/10 hằng năm. Vào dịp này, hoạt động hóa trang thành những nhân vật được yêu thích đã trở thành một nét đặc trưng của lễ hội Halloween. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nhóm bạn trẻ đã hoá trang một cách "quá trớn, không phù hợp và phản cảm".
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa cho rằng, việc làm này sẽ gây ra hai ý kiến trái ngược nhau.
"Lý do bởi nếu nói phản cảm có phần nào đó đúng. Halloween là ngày vui vẻ, vui nhộn mà đem chuyện người chết đắp chiếu thắp hương thì đau buồn trái ngược không khí ngày hội", ông Đức nêu quan điểm.
Ông Đức cho rằng, tuỳ vào từng góc độ của người nhìn nhận để nhìn ra vấn đề. "Tôi cho rằng hơi phức tạp khi đánh giá vấn đề này. Nếu như muốn đánh giá được phải có cuộc điều tra xã hội học, xem có bao nhiêu ý kiến tích cực hay tiêu cực", ông Đức chia sẻ thêm.
Trái ngược với quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm, nhóm bạn trẻ hoá trang Halloween bằng việc nằm giả chết rồi đắp chiếu, cắm nhang ở giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) là cách làm trò phản cảm, gây sốc cho xã hội.
"Trong kỷ nguyên 4.0 muốn trở thành công dân toàn cầu, chúng ta cần hiểu biết về phong tục tập quán cũng như các lễ hội của các quốc gia khác. Tuy nhiên, khi học hỏi hay cập nhật với các nền văn hoá đó, mọi người hãy hiểu ý nghĩa những câu chuyện đằng sau đó. Ở Mexico cũng có lễ hội của người chết đã xem trong hoạt hình hay lễ hội xá tội vong nhân nhưng ý nghĩa của nó là gì. Bình thường chúng ra rất khó để nói về cái chết, sự sợ hãi, linh hồn, nhân quả…
Có những lễ hội nói với nhau câu chuyện, qua đó rút ra nhiều bài học cuộc sống tức sống với nhau ở trên đời này làm thế nào chết đỡ nuối tiếc. Tuy nhiên, ở nước ta không du nhập những văn hoá trong lễ hội của các nước mà chỉ bắt chước hình thức. Đến lúc nhập vào văn hoá của mình không mang ý nghĩa nhân văn của các nước nhà và ngày càng giật gân", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, lễ hội Halloween ở nước ngoài, mọi người vui đùa bằng cách cho quà hoặc dọa ma nhưng đều hướng tới vui vẻ. Còn đây bằng cách làm trò phản cảm, gây sốc cho xã hội và cảm thấy như một cách thức để giải toả những ấm ức bên trong, điều này không nên.
"Bất cứ lễ hội nào du nhập vào quốc gia khác phải tôn trọng văn hoá bản địa. Ví dụ đưa vào không gian Việt Nam, trường học… phải tôn trọng thuần phong mĩ tục của một đất nước, quốc gia đó. Làm gì thì làm không được gây hại cho cộng đồng.
Có trò doạ quá mức đối với nhiều trẻ nhỏ với phụ nữ sau đêm Halloween toàn gặp ác mộng khi bị truy đuổi… do những trò dọa ma một cách quá trớn. Làm thế nào cho vui vẻ chứ đằng này làm nên sốc, quá đà, giải toả cảm xúc tiêu cực đấy nhưng giải toả bằng cách dồn tất cả nỗi sợ hãi đó với những người khác như thế là điều không hay", ông Nam thẳng thắn nêu.
Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục cũng cho rằng: "Mọi người có thể nhìn thấy đằng sau những người nghĩ ra những chiêu trò đó, hoặc có hành vi mang tính chất giật gân, gây sốc, phản cảm cho cộng đồng thì bản thân họ cũng không có giá trị xã hội tốt đẹp nào, trong đầu của họ toàn ý nghĩ những nỗi sợ hãi, tiêu cực gì đó mà họ phóng chiếu ra ngoài qua việc hoá trang như vậy.
Cũng có nghiên cứu của nước ngoài nói về việc khi sử dụng hoá trang ở lễ hội nhiều lúc phản ánh nội tâm, nhân cách của bạn. Bản thân những người ấy cũng có thể đang có vấn đề, thực tế biểu lộ ra nhưng cách thể hiện nội tâm nhiều mặt tối, hận thù".
Ông Nam bày tỏ quan điểm, đối với cộng đồng xung quanh nếu nhìn thấy hình ảnh phản cảm phải có cách thức phản ứng phù hợp. Mọi người có thể phản ứng thể hiện không đồng tình, có nhắc nhở để cho những hiện tượng như vậy không nên để ở những nơi đông người, gây ảnh hưởng tâm lý trẻ nhỏ,…
Ngoài ra, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, đối với việc này cơ quan chức năng phải có quy định nhất định trong việc tham gia các lễ hội. Có thể xếp vào hành vi gây rối nếu để ở nơi đông người khiến nhiều người hoảng loạn. Ngoài ra hành vi như vậy liệu rằng phù hợp với văn hoá không, có gây tác hại tới cộng đồng không, cần phải có quy định cụ thể hơn nữa để đảm bảo hành vi ứng xử văn minh với không gian lễ hội.
"Lễ hội có thể trở thành một trong những điểm hấp dẫn của các địa phương, thu hút kinh tế nhưng lễ hội càng nhiều quản lý ra sao, hướng đến giá trị văn hoá lễ hội ra sao, không mê tín dị đoan, phản cảm phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Xu hướng tham gia lễ hội ngày càng nhiều giống phải có cách thức cảnh báo trước cho những người khi tham gia lễ hội không có hành vi nào quá khích, gây phản cảm, vượt ra khỏi quy định, làm cho không gian kỳ nghỉ lễ hội trở nên phản cảm, gây bão cho dư luận", ông Nam nói thêm.