Nơi Thảo ở gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là căn lều bạt mái thấp lè tè, nền đất ẩm ướt, nằm đơn chiếc trên con đê giữa đồng, đường ra vào lúc nào cũng ngập nước. Bà Bùi Thị Oanh, mẹ của Thảo, cho biết, gia đình nghèo chưa có nơi cư ngụ nên phải sống lang bạt nay đây mai đó. Mảnh đất này là của người quen và là nơi tá túc thứ 7 của cả nhà.
Mùa nước nổi, cánh đồng bỏ vụ một màu trắng xóa, những bụi lúa trổ hạt vươn cao. Đàn vịt hơn 200 con của gia đình, vào ngày Chủ nhật, Thảo thay cha làm nhiệm vụ chăm nom, trông coi thường xuyên để tránh trường hợp bị ngộp nước do lọt vào bẫy bắt cá của người dân. Những ngày đi học, sáng sớm thì Thảo phụ lùa vịt ra đồng, chiều lại theo cha lùa vịt về chuồng.
Là con thứ hai trong nhà nên Thảo luôn tự nhủ mình phải cố gắng đỡ đần giúp cha mẹ. Có những hôm thả vịt ở cánh đồng xa, khi Thảo lùa vịt về tới chuồng đã chiều muộn, khổ nhất là vịt lạc, tập hợp bầy rất vất vả. Thảo tâm sự, kinh tế gia đình đè nặng trên vai người cha. Quanh năm, cha Thảo phải quần quật làm thuê, từ phụ hồ đến làm vườn, làm cỏ, cắt lúa, chăm ruộng cho người khác. Mùa gặt xong, không ai còn thuê mướn nên cả nhà nuôi vịt đẻ mưu sinh.
Dẫu cuộc sống còn nhiều nghèo khó, nay đây mai đó, tan trường ra đồng chăn vịt phụ cha mẹ nhưng Thảo vẫn cố gắng đạt thành tích học tập tốt. Ông Huỳnh Văn Thảnh, cha của Thảo, tâm sự: “Ban ngày chăn vịt nên có hôm con học tới 23 giờ đêm, tôi xót xa khi thấy nó ngủ quên bên chồng sách vở. Khó khăn là vậy nhưng 9 năm qua con đều là học sinh giỏi, tôi rất vinh dự và tự hào”.
Theo lời kể của ông Thảnh, vào thời trẻ ông đi làm mướn ở Cà Mau, gặp bà Oanh rồi bén duyên vợ chồng. Gia đình hai bên đều nghèo, lại đông con. Khi các con đến tuổi học hành, ông bà quyết định về quê nội (huyện Vị Thủy) để đường đến trường của con trẻ đỡ phần cách trở. Không có nơi cư ngụ nên gia đình liên tục xê dịch, khi trọ thuê, nhà cũ, cắm lều bạt giữa đồng. Theo ông Thảnh, nhờ mọi người thương tình cho “ở đậu”, chứ nếu lấy tiền thuê hàng tháng, gia đình không biết đã lang bạt về đâu.
Khoảng cách từ nhà đến trường dài hơn 8 km, phải gửi xe đạp, băng đường đồng nhưng Thảo không nản lòng, thu vén công việc gia đình để đi học. Thảo càng chịu khó học tập, vợ chồng ông Thảnh càng xiêu lòng, không nỡ tính chuyện cho con nghỉ học. “Thứ 3 và thứ 5, Thảo học 2 buổi phải ở lại trường, chúng tôi cho một ít tiền ăn cơm trưa. Chứ học 1 buổi, nhiều khi không có để cho con đồng nào mua đồ ăn lót dạ. Biết gia đình khổ, Thảo cũng không đòi hỏi, buồn phiền cha mẹ”, ông Thảnh chia sẻ.
Gia đình Thảo mới được cấp sổ hộ nghèo khoảng 1 năm nay, các khoản chi phí học tập của Thảo giờ đã nhẹ gánh hơn. Trước đây, thấy gia đình khó khăn, các thầy cô hay đến nhà thăm hỏi, động viên việc học hành của em. Cô nữ sinh luôn ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi nên được bạn bè và thầy cô yêu thương. “Năm lớp 9, Thảo không có tiền đóng học phí, nhà trường đã quyên góp giúp đỡ. Mới đây, Thảo đậu lớp 10, các cô may tặng áo dài mới, tập sách đến trường. Điều đó làm tôi xúc động và biết ơn lắm”, bà Oanh tâm sự.
Ngoài chăn vịt, Thảo còn giúp mẹ nấu cơm, giặt giũ. Ở nhà, hai đứa em rất ngưỡng mộ thành tích học tập của Thảo. Còn anh trai hàng tháng cũng gửi ít tiền tiếp sức Thảo đến trường. Cô em gái đang học lớp 8 phấn đấu noi gương Thảo, nhiều năm qua cũng luôn đạt học sinh giỏi. Trước tinh thần hiếu học của các con, vợ chồng ông Thảnh động viên nhau không ngại vất vả, cố gắng lo cho con có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn.
Cô Phan Thị Thùy Dương, giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị (huyện Vị Thủy), cho biết hoàn cảnh nghèo khó, có thời gian, Thảo đến trường với bộ đồng phục cũ kỹ, sẫm màu vì đã mặc lại nhiều năm thấy rất thương. Dẫu thiếu thốn là vậy nhưng Thảo rất chăm chỉ, học giỏi đều tất cả các môn và từng dự thi học sinh giỏi môn Địa lý. Lối sống hiền hậu, đơn giản, biết giúp đỡ cha mẹ của Thảo khiến thầy cô và bạn bè vô cùng trân quý, cảm phục…
Chia sẻ về ước mơ, Thảo cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT và theo đuổi ngành sư phạm, để được như bao thầy cô hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh như mình. Đồng thời, em mong được hỗ trợ học phí để đường đến trường bớt gập ghềnh, khó khăn.