Không chỉ có kích thước lớn, chiếm gần hết chu vi bàng quang, sỏi của bệnh nhân này còn bám chặt vào niêm mạc gây nhiều khó khăn cho ê kíp mổ.
Bệnh nhân được chẩn đoán sỏi bàng quang tái phát. Trước đó, bệnh nhân T. từng có tiền sử bị sỏi bàng quang và đã phẫu thuật 1 lần để loại bỏ sỏi.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, nghĩ sỏi đã hết nên anh T. không đi tái khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy sỏi lớn khiến bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu dai dẳng và tái đi tái lại không khỏi.
Nhận định trường hợp của anh T., do sỏi to lại bám dính chặt vào niêm mạc rất phức tạp nên các phương pháp tán sỏi nội soi không thể thực hiện hiệu quả được, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật mổ mở để lấy sỏi. Quá trình phẫu thuật kéo dài 1 tiếng, bác sĩ phải sử dụng các kỹ thuật khéo léo để gỡ viên sỏi ra sao cho an toàn nhất, đảm bảo không làm tổn thương chức năng của bàng quang.
Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khỏe anh T. đã ổn định, chức năng bàng quang được đảm bảo, phục hồi phục tốt. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi 1 thời gian là có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ cho hay, bị sỏi tiết niệu là 1 trong những bệnh lý rất phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo… Nhẹ thì sỏi có thể gây đau, viêm đường tiết niệu… ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống, trường hợp nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như ứ nước thận, giãn đài bể thận, suy thận thậm chí phải bỏ thận…
"Nếu được phát hiện sớm, kích thước sỏi nhỏ thì việc điều trị rất đơn giản, ít tốn kém. Hiện nay có nhiều phương pháp tán sỏi công nghệ cao hiện đại, ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, tán sỏi nội soi ống mềm, tán sỏi qua da, tránh được những tổn thương hệ tiết niệu và người bệnh cũng sẽ không đau đớn", bác sĩ Huyên thông tin.