Công ty CP SAM Holdings (HoSE: SAM) đã công bố tình hình kinh doanh quý III/2022 với doanh thu hợp nhất tăng 43,1% và lợi nhuận giảm 76,4% trong quý III/2022.
Trong quý III/2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 545,9 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 558,5% so với cùng kỳ lên 47,61 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 28,3%, tương ứng giảm 27,9 tỷ đồng về 70,7 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng hơn 400% lên gần 59,3 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 23,6 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng tăng 81,5% lên 12,3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 47,6% lên hơn 31 tỷ đồng.
Kết quả, SAM báo lãi quý III/2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 76,4%
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 55 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 32,4 tỷ đồng. Như vậy, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính khi ghi nhận doanh thu tài chính 70,61 tỷ đồng.
Theo thuyết minh chi phí tài chính tăng đột biến do ghi nhận lỗ do thanh lý các khoản đầu tư 47,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.573,8 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 45,63 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, SAM đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.856 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210,7 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng SAM mới hoàn thành 33,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của SAM Holdings tăng 31,4% so với đầu năm lên 9.915,1 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn giảm gần 10% xuống 3.120 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 72% xuống 230 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh tăng 11,7% lên hơn 311 tỷ đồng.
Về khoản đầu tư chứng khoán, đầu năm ghi nhận 278,5 tỷ đồng và trích lập dự phòng 2,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, danh mục đầu tư chứng khoán hơn 311 tỷ đồng, trích lập dự phòng 55,5 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 17,8% tổng danh mục.
Trong đó, danh mục đầu tư chủ yếu 91,1 tỷ đồng cổ phiếu HPG; đầu tư 62,2 tỷ đồng vào cổ phiếu SJS; đầu tư 56,4 tỷ đồng cổ phiếu DNP; đầu tư 20,7 tỷ đồng cổ phiếu SSI; đầu tư 20,5 tỷ đồng cổ phiếu TCB…
Đối với danh mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, SAM Holdings bắt đầu ghi nhận khoản đầu tư 726,9 tỷ đồng vào CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy so với đầu năm không ghi nhận.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm, SAM Holdings đã nhận chuyển nhượng đầu tư và góp vốn vào Công ty liên kết là CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy với tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ.
Hàng tồn kho tăng 23% lên 529,2 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn tăng 66,4% lên 6.795 tỷ đồng; phải trả cho người bán ngắn dài hạn tăng 98,7% lên 2.050 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng gấp đôi lên gần 1.420 tỷ đồng.
Phải thu dài hạn tăng so với đầu năm chủ yếu do Công ty bắt đầu ghi nhận phải thu dài hạn của Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Đông Dương 810 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sơn Thủy 670 tỷ đồng và Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Đầu tư Hải Hà Land 570 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 79% lên 5.279,5 tỷ đồng; nợ ngắn hạn tăng hơn 18% lên 2.564 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng 32,6% lên 1.379 tỷ đồng; phải trả dài hạn khác tăng 98% lên gần 2.230 tỷ đồng.
Liên quan đến SAM, mới đây HĐQT Công ty đã công bố Nghị quyết về việc bảo lãnh vay vốn của CTCP Dây và Cáp SACOM đối với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Chi nhánh Chợ Lớn.
Theo đó, Sam Holdings bảo lãnh 200 tỷ đồng liên quan tới cấp tín dụng mà Công ty CP Dây và Cáp SACOM ký kết với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Chi nhánh Chợ Lớn.
Trước đó, SAM bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ tài chính Công ty CP Dây và Cáp SACOM tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) – Chi nhánh Điện Biên Phủ với hạn mức 100 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tạm đóng cửa phiên giao dịch sáng 1/11, cổ phiếu SAM giảm 3,61% xuống 8.000 đồng/cp. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua của SAM.