Thoạt nhìn thì vũ đạo Trung Hoa cổ điển và võ thuật (kungfu hay wushu trong tiếng Trung) có những điểm tương đồng. Chúng có những thế đứng và tư thế giống nhau, và kỹ thuật đều đòi hỏi sự mềm dẻo, động tác nhịp nhàng và tính nhanh gọn. Bạn cũng có thể thấy những vũ khí thời cổ như gậy, thương, kiếm và những vũ khí tương tự được sử dụng cả trong võ thuật và vũ đạo Trung Hoa. Tại sao? Bởi vì hai hình thức nghệ thuật này đều bắt nguồn từ cùng một nền văn hóa cổ xưa.
Hàng nghìn năm trước, khi wushu lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, thì kỹ thuật xoạc và các kỹ thuật khác của nó đã có ảnh hưởng rất lớn lên những loại hình nghệ thuật khác bao gồm ca kịch và vũ đạo Trung Hoa. Các loại hình nghệ thuật này lấy những động tác vốn dùng trong đấu võ mà biến thành một loại hình giải trí cho các dịp lễ – từ lễ hội của dân thường cho đến yến tiệc trong hoàng cung. Theo thời gian, võ thuật và vũ đạo cổ điển Trung Hoa đã phát triển thành hai loại hình nghệ thuật trọn vẹn và riêng biệt như chúng ta biết đến ngày nay.
Mặc dù hai loại hình nghệ thuật này độc lập với nhau nhưng đôi khi nhìn qua thì thấy vũ đạo cổ điển Trung Hoa và võ thuật là giống nhau. Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được hai huynh đệ từ thời cổ xưa này?
Khi muốn phân biệt đâu là vũ đạo Trung Hoa, đâu là võ thuật, câu đầu tiên bạn nên hỏi là: Động cơ đằng sau động tác này là gì?
Võ thuật truyền thống chỉ dùng để đánh nhau và chiến đấu. Mỗi động tác của nó là để tấn công hoặc đỡ đòn. Nếu bạn không ra đòn nhanh, bạn sẽ bị thương. Đó là vì sao các võ sĩ truyền thống không thêm những động tác đẹp mắt – họ chỉ chú trọng xuất thủ để bảo vệ mạng sống.
Còn vũ đạo cổ điển Trung Hoa được sáng tạo để biểu diễn nên cần đưa thêm vào những động tác đẹp mắt – không còn vấn đề phòng thân nữa, mà đã trở thành cách biểu đạt. Với kho từ vựng phong phú, vũ đạo cổ điển Trung Hoa có thể biểu đạt bất cứ cảm xúc nào bằng ngôn ngữ cơ thể (một loại ngôn ngữ phổ quát). Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp vài điệu múa với những động tác quyền cước, nhưng đó chỉ là để biểu đạt một chủ đề nào đó của vở múa mà thôi.
Khác với Trung Hoa cổ đại, ngày nay hầu hết các võ sĩ không sử dụng kỹ năng vào việc đánh nhau. Mà họ biểu diễn những bài múa võ cố định trong các sự kiện, kể cả biểu diễn trên sân khấu – giống như vũ đạo vậy. Điều này khiến việc nhận dạng hai huynh đệ này càng khó hơn.
Nhưng đây là một mẹo khác: Hãy quan sát tốc độ di chuyển của các võ sĩ Hầu hết các môn võ yêu cầu càng nhanh càng tốt (Thái cực quyền là một ngoại lệ). Đương nhiên họ có một trình tự và nhịp độ nhất định nhưng các động tác võ thuật thường yêu cầu phải có sự bùng nổ và tốc độ, phải nhanh như chớp, giống Lý Tiểu Long.
Tuy nhiên, trong vũ đạo cổ điển Trung Hoa thì cần phải thể hiện được vẻ đẹp của mỗi một động tác. Nếu di chuyển nhanh quá thì khán giả không thể thưởng thức được các chi tiết của tiết mục. Đôi khi, để biểu đạt cảm xúc thì động tác cần phải chậm, kéo dài một chút và lúc kết thúc thì gần như là dừng lại giữa không trung trước khi chuyển sang hướng ngược lại. Những động tác này, dù rất tinh tế nhưng gần như phải khống chế hết sức khi biểu diễn.
Cách thứ ba: Ngắn hay dài?
Một điểm khác biệt rõ rệt nữa là độ dài của động tác. Từ thế đứng cho đến những kỹ thuật đá chân và phi thân, động tác trong võ thuật thường ngắn hơn và dứt khoát hơn (cũng vì để phòng thủ, vì động tác kéo dài sẽ khiến bạn dễ bị tấn công và bị thương). Trái lại, những động tác của vũ đạo cổ điển Trung Hoa thì luôn mở và kéo dài.
Vậy, nếu bạn biểu diễn võ thuật, hãy thử thao tác chậm lại và kéo dài động tác của mình, trông bạn sẽ gần như múa vậy. Còn các nghệ sĩ múa thì hãy thực hiện các động tác mạnh và dứt khoát hơn, có thể bạn cũng sẽ trở thành một võ thuật gia.
Lời kết – Hai chữ Wu (Võ và Vũ)
Từ 5.000 năm trước cho đến nay, hai huynh đệ này đã lớn lên với cái tên gần giống nhau. Đó là bởi vì từ vũ đạo (舞) và võ thuật (武) là hai từ đồng âm (wǔ). Sự khác biệt trong cách viết hai chữ này khiến chúng khác nhau về bản chất.
Bạn thấy đấy, khi viết chữ wǔ (武) trong võ thuật, thì phía bên phải giống chữ qua “戈,” nghĩa là “thương”, một loại vũ khí, trong khi đó phía bên trái là bộ chỉ “止” nghĩa là đình chỉ, dừng lại. Vì vậy ý nghĩa thực sự của wǔ trong từ ‘võ’ là chấm dứt chiến tranh và chiến đấu vì hòa bình.
Mặt khác, wǔ (舞) trong chữ ‘vũ’ bắt đầu bằng chữ tượng hình thể hiện một người với đôi tay, và sau này có thêm đôi chân. Có một thành ngữ cổ Trung Hoa khá hài hước: Thủ chi vũ chi túc chi đạo chi (“手之舞之足之蹈之”). Dịch theo nghĩa đen có nghĩa là “khua tay múa chân”, nhưng ý nghĩa thực sự của thành ngữ này là khi không thể biểu đạt một điều gì đó bằng văn thơ hay ca hát thì tại sao lại không múa nhỉ?
Và với vũ đạo Trung Hoa cổ điển, bạn có thể khắc họa hầu hết mọi điều từ hạnh phúc, vẻ đẹp, tình thương, hay hòa bình – giống như hòa bình mà võ thuật được sử dụng để gìn giữ.