Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19, thành phố ghi nhận nhiều điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Tính đến nay, TP.HCM đạt tăng trưởng kinh tế 9,97%; dự kiến đạt mức hơn 9,4% trong năm 2022, vượt xa mục tiêu ban đầu là 6,5%. Về thu ngân sách, thành phố thu gần 393.000 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Mãi dự báo trong thời gian tới sẽ khó khăn, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế quý 4 đang chững lại và sụt giảm ở một số mặt. Dẫn chứng như tăng trưởng toàn ngành công nghiệp (IIP) dù đang ở mức khá nhưng nhiều ngành nghề đang rất khó khăn như may mặc, gỗ, giày da…
Bên cạnh đó, trong tháng 10, thành phố đã xuất hiện nhiều vấn đề bất lợi, tác động tiêu cực, nhất là vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự xã hội của thành phố và cả nước.
Tình hình cung ứng xăng dầu gặp nhiều khó khăn cũng tạo tâm lý không an tâm, thiếu tin tưởng và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Lạm phát thế giới ảnh hưởng đến thị trường TP.HCM. Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến an sinh xã hội của TP. Giải ngân đầu tư công của TP đang rất thấp, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị tập trung cho nội dung tổng kết năm 2022 gắn với tổng kết một năm phục hồi sau đại dịch và chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2023. Trong đó, trọng tâm là dùng nội lực để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông nguồn lực nội địa.
Đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, từng dự án phải được phân tích rõ những vướng mắc, có kế hoạch giải ngân vốn cụ thể.
Trước những vụ việc xảy ra ở các nước gây thiệt hại nặng nề về người như thảm họa tại Itaewon (Hàn Quốc), sập cầu treo tại Ấn Độ…, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý các sự kiện đông người. Ông Mãi yêu cầu tháng 11 này phải hoàn thiện để chuẩn bị các hoạt động vui chơi dịp cuối năm.