Dân Việt

Làm gì để hướng tới một hệ thống giáo dục nghề nghiệp bình đẳng, chất lượng?

Thùy Anh 05/11/2022 12:21 GMT+7
Hướng tới một nền giáo dục nghề nghiệp chất lượng, bình đẳng, linh hoạt là mong muốn không chỉ của người học mà còn là mong muốn của cả các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam chưa thực sự đạt tới điều này.

Giáo dục nghề nghiệp cho lao động khu vực phi chính thức còn hạn chế

Chiều qua (4/11), tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình diễn ra Hội thảo "Tương lai giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam – Hướng tới một hệ thống bình đẳng" nhằm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu chính trong năm 2022 của nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXHNV)- Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đồng thời thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục triển khai các nội dung nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.

giáo dục nghề nghiệp

GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu Trưởng Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh:N.L

Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ ĐHKHXHNV, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các đơn vị có liên quan...

TS. Detlef Briesen - Trường Đại học Justus Liebig Giessen, thành phần nhóm nghiên cứu cho biết: Qua nghiên cứu nhóm nghiên cứu nhận thấy lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn nhiều góc khuất cần điều chỉnh. Ví dụ các chính sách, thảo luận đang thiên về yêu cầu của doanh nghiệp hoặc các vấn đề tuyển dụng lao động có kỹ năng ở khu vực phi chính thức mà chưa đề cập nhiều tới vấn đề quản lý và hiệu quả quản lý trong khu vực phi chính thức. Trong khi đó, Việt Nam vốn là một quốc gia có số lao động phi chính thức rất đông.

Mặt khác, một vấn đề quan trọng là các nghiên cứu tổng quát về lĩnh vực GDNN lâu nay chưa thể hiện được nhu cầu đào tạo nghề của người dân đang ở mức độ nào và nhằm mục đích gì.

"Các tham luận về hệ thống giáo dục ở Việt Nam cho đến nay phần lớn được định hình bởi các chuyên gia quốc tế, những người hầu hết đề xuất cách tiếp cận về giáo dục nghề nghiệp từ trên xuống hướng tới các đối tượng ở Việt Nam và tiếp cận từ tư duy thể chế. Trong khi đó, hầu như chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các nhóm đối tượng sau đây suy nghĩ như thế nào về đào tạo nghề: Học sinh, sinh viên, thanh niên, người lao động cũng như những người sử dụng lao động thuộc nhiều thành phần kinh tế", ông Detlef Briesen nói.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ và thảo luận nhiều ý kiến xung quanh các nội dung: Sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; sự tham gia của các bên liên quan trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tương lai giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Ông Detlef Briesen cũng cho rằng hầu hết các cuộc thảo luận và các nghiên cứu về GDNN cho đến nay đều dựa trên một số dữ liệu chính dạng thống kê. Bởi vì  gần như chưa có bất kỳ nghiên cứu thực nghiệm quốc tế nào, trên hết là không có nghiên cứu khoa học xã hội nào về đào tạo nghề trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển ở Việt Nam, nơi giáo dục chính quy chiếm ưu thế và được đa số đối tượng học nghề lựa chọn, hay cụ thể là hầu như chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào về giáo dục phi chính thức ở Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng "hình hài" của các cơ sở đào tạo nghề chính quy ở Việt Nam chưa rõ ràng, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, nơi thường ít được quan tâm nhiều.

Những định hướng nghiên cứu thời gian tới?

Qua Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết năm 2023 nhóm sẽ tập trung nghiên cứu thêm về cơ chế chính sách giáo dục nghề nghiệp, chương trình, tiêu chuẩn chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp...

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐHKHXHNV cho biết, thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ nghiên cứu cơ hội tiếp nhận giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm xã hội khác nhau. Làm rõ các câu hỏi tại sao một số nhóm dân cư nhất định bắt đầu tham gia các chương trình đào tạo nghề trong khi một số nhóm khác lại không.

giáo dục nghề nghiệp

Cơ hội tiếp cận học nghề của lao động ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Ảnh:N.T

Kết thúc nghiên cứu, nhóm sẽ có những tham vấn, khuyến nghị gửi cơ quan quản lý nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp tạo "sự bình đẳng về không gian", bình đẳng giữa các đối tượng, từ đó dẫn đến sự phát triển cân bằng hơn giữa các tỉnh, thành, địa phương khác nhau của Việt Nam.

"Ở Việt Nam, một số lượng lớn lao động tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức trong nhiều lĩnh vực và những người được đào tạo chính quy vẫn tham gia vào khu vực này khi cần thiết. Cần làm rõ ưu điểm và nhược điểm của hệ thống này là gì theo quan điểm của các bên liên quan và những người có nhu cầu giáo dục nghề nghiệp", GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.