Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực thanh tra, sáng 5/11, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu vấn đề, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh.
"Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân", ông Phương nói và cho rằng, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý.
Theo đó, đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong bày tỏ đồng ý với nhận định của đại biểu và cho rằng hiện nay "đúng là vẫn còn có thực trạng cán bộ gây phiền hà".
"Phổ biến là cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc là trả lời chung chung chưa sát với công việc nhiệm vụ được giao, để người dân đi lại nhiều lần, thậm chí có trường hợp vòi vĩnh bằng nhiều mẹo mực khác nhau để vụ lợi cá nhân", ông Phong cho hay.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, về công tác cải cách hành chính ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt yêu cầu, thủ tục còn rườm rà gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. "Qua thanh tra phát hiện vẫn còn hiện tượng mọt số bộ ngành còn giấy phép con", ông Phong nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình liên quan đến số lượng, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay Tổng Thanh tra chưa trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, thời gian qua, các cán bộ thanh tra đã chấp hành nghiêm quy định pháp luật của nhà nước và đạo đức công vụ.
Tuy nhiên, cũng còn một số trường hợp vi phạm, chưa chấp hành, điển hình như vụ thanh tra Bộ Xây dựng (nhận hối lộ) khi thực hiện thanh tra ở Vĩnh Phúc. Và cách đây gần 20 năm cũng có những vụ việc vi phạm về nhận hối lộ và cán bộ thanh tra đã bị xử lý theo pháp luật.
Về giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra, ông Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 5 chuẩn mực về đạo đức ngành thanh tra.
Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành Nghị quyết 45 đã quy định cần nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra.
Đồng thời quy định rõ trách nhiệm, những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm, như nhận tiền quà, hối lộ. Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ thanh tra không được bỏ lọt, sót những vi phạm của các đơn vị bị thanh tra.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu trong hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan từ năm 2011 đến nay, số cuộc thanh tra chỉ chiếm 10% còn 90% là kiểm tra.
Ông Nghĩa đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động kiểm tra và giải pháp nào ngăn tình trạng cơ quan chức năng lạm dụng hoạt động kiểm tra, gây ảnh hưởng doanh nghiệp, người dân?
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi sẽ tách bạch hoạt động kiểm tra và thanh tra. Dự thảo sẽ có quy định về quy trình, trình tự thủ tục của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Về quy trình kiểm tra, đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước; nó đơn giản hơn, không theo trình tự thủ tục thanh tra mà theo đặc thù từng ngành, lĩnh vực. Ông Phong cho biết đã hướng dẫn về thực hiện quy trình, thủ tục hoạt động kiểm tra và tới đây sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo khắc phục hoạt động kiểm tra.
Qua trả lời chất vấn, ông Phong thông tin thêm, Thanh tra Chính phủ tới đây sẽ ban hành thêm quy chế thanh tra, đây cũng là giải pháp phòng ngừa xử lý tiêu cực, tham nhũng.
"Tôi được biết trong dư luận có phản ánh cán bộ ngành thanh tra nói chung và tại Thanh tra Chính phủ có biểu hiện, dấu hiệu tiêu cực. Rất mong ĐBQH phản ánh trực tiếp tới Tổng thanh tra để xử lý", ông Phong nói.