Chiều 5/11, tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trả lời các câu hỏi chất vấn vào buổi sáng.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, nhiều cuộc thanh tra có quy mô hớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn.
Theo người đứng đầu ngành Thanh tra, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận thanh tra.
Về việc này, Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.
Hiện nay Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.
Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.
Ngay sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân giơ biển tranh luận cho biết, về nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra.
Đại biểu cho rằng, quyền lực càng tập trung càng có nguy cơ có tiêu cực. "Vậy tại sao chúng ta lại trao cho Tổng thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương và thủ trưởng cơ quan thanh tra ở địa phương được quyền quyết định Đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra?".
Theo đại biểu, cần phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chất vấn và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?
Liên quan tới tính độc lập của thanh tra, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, có ý kiến cho rằng các cơ quan thanh tra còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp như là về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, kinh phí... dẫn đến không đảm bảo được tính độc lập của cơ quan thanh tra cũng như là người đứng đầu của cơ quan thanh tra...
Về các nội dung trên, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời, theo quy định hiện nay, đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ các cuộc thanh tra khi có dự thảo kết luận thanh tra thì phải báo cáo Thủ tướng xin ý kiến.
Ông Đoàn Hồng Phong cho hay, tới đây khi sửa đổi luật Thanh tra sẽ sửa đổi quy định này. Cụ thể, việc báo cáo thủ trưởng cơ quan nhà nước phải báo cáo một trong 3 trường hợp, gồm: Thanh tra liên quan nội dung quốc phòng an ninh; vụ việc Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; và các cuộc thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.
Bên cạnh đó, dự thảo luật Thanh tra cũng quy định sau khi cơ quan thanh tra báo cáo dự thảo kết luận thì trong 30 ngày thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến. Nếu không có ý kiến thì cơ quan thanh tra ban hành kết luận theo quy định của luật.
Ngoài giải pháp về luật, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục chậm ban hành kết luận thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra.
Trong đó, quy định trách nhiệm cụ thể và có hình thức xử lý với các vi phạm của trưởng, phó đoàn thanh tra cho tới thủ trưởng chủ trì và các thành viên đoàn thanh tra. "Ví dụ để xảy ra vi phạm liên quan chất lượng, lọt lộ các vụ việc, không chuyển hành vi dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra hoặc chậm ban hành kết luận... sẽ bị xử lý", ông Phong nói.
Cũng theo ông Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ quy định cụ thể hành vi cấm trong hoạt động thanh tra như cấm nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Đồng thời, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "lực lượng thanh tra quá dễ dãi, ăn uống giao lưu với đối tượng thanh tra", dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng, tính khách quan của thanh tra, và khẳng định sẽ quy định cụ thể để khắc phục.
"Rất mong đại biểu Quốc hội, cử tri giúp cho lực lượng thanh tra giám sát, phản ánh sai phạm của cán bộ thanh tra ở bộ, ngành, địa phương khi tiến hành thanh tra", Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như đại biểu nêu ra.
Những lĩnh vực sách nhiễu, nhũng nhiều nhiều nhất là về lĩnh vực đất đai chủ yếu là các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…;
Về lĩnh vực đầu tư công có các hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; về công tác quản lý tài chính ngân sách có các thủ tục hải quan, kê khai nộp thuế, các giấy phép về cấp phép xây dựng, cấp giấy phép khai khoáng sản, xây dựng và đăng ký kinh doanh.
"Đây là những lĩnh vực nhạy cảm thường xuyên xảy ra tình trạng này", Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.