Nhiều hộ có thu nhập cao, làm giàu từ mô hình này, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Không còn mạnh ai nấy làm
Vợ chồng anh Đặng Huy Phong và chị Đỗ Thị Quyên, tổ dân phố Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên - Bắc Giang) cũng như hàng chục hộ dân nơi đây đã trồng ổi lai từ nhiều năm. Những năm trước, dù ổi thơm ngon, giá cao nhưng bà con chủ yếu vẫn mạnh ai nấy làm, mỗi nhà giữ bí quyết thâm canh riêng. Vì thế, không ít vụ người dân để ổi chín cùng lúc khiến giá ổi xuống thấp.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, trực tiếp chỉ đạo là Hội Nông dân thị trấn, năm 2021, gia đình anh Phong cùng 26 hộ trong tổ dân phố Hoà Sơn đã thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp Trồng ổi Hòa Sơn, canh tác tổng diện tích hơn 7 ha.
Cả 2 vợ chồng đều là cử nhân nông nghiệp nên anh Phong và chị Quyên không những thâm canh ổi giỏi mà còn thường xuyên trao đổi, góp ý, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc như: Lựa chọn cây giống, tỉa cành tạo tán, thời điểm bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật sao cho sản phẩm an toàn, đạt hiệu quả cao nhất…
Năng suất ổi của các thành viên trong chi hội đạt 30 tấn ha/vụ. Với giá hiện tại là 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, người trồng thu lãi gần 200 triệu đồng/ha. Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, gia đình anh Phong còn thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. “Cây ổi cho trái quanh năm, tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, Chi hội đã cùng thực hiện biện pháp cho quả rải vụ, xóa tình trạng mạnh ai nấy làm”, anh Phong nói.
Tại huyện Hiệp Hòa có 28 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Tổ hội nông dân nghề nghiệp Chăn nuôi bò thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn là một trong số đó. Theo ông Nguyễn Như Hoạt, Tổ trưởng, dù các hộ chăn nuôi bò từ lâu nhưng ai biết nhà nấy. Khi giá sản phẩm xuống thấp thì đua nhau bán tháo nên bị ép giá; giá sản phẩm tăng thì lại đồng loạt mua con giống tái đàn, hiệu quả chăn nuôi thấp.
Vì vậy, mục tiêu trước mắt sau khi thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp là để liên kết, hỗ trợ nhau kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cập nhật thông tin thị trường, đặc biệt là thống nhất giá bán sản phẩm. Tổ hội nông dân nghề nghiệp Chăn nuôi bò thôn Quế Sơn có 9 thành viên. Mỗi hộ nuôi từ 5-10 con bò thương phẩm và sinh sản (giống 3B, năng suất cao).
Sau khi thống nhất cách làm, thời gian qua, các hộ đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ đã được bán sản phẩm. Dự kiến năm nay, bình quân mỗi hộ thu khoảng 100 triệu đồng từ bán bò giống và bò thịt.
Kết nối sản xuất, tiêu thụ
Toàn tỉnh hiện có 458 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với hơn 6,5 nghìn hội viên. Từ đầu năm đến nay, các huyện, TP thành lập 53 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, gần 800 thành viên tham gia. Riêng huyện Tân Yên thành lập mới 5 tổ, huyện Hiệp Hòa thành lập 6 tổ. Hầu hết các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp.
Đến nay, toàn tỉnh có 458 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 6.568 hội viên. Trong đó 55 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.750 hội viên. Các chi, tổ hội hoạt động đa dạng các ngành nghề như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất, chế biến nông sản, mộc dân dụng… |
Chỉ riêng các chi, tổ HND nghề nghiệp của Hiệp Hòa đã được vay hơn 9,1 tỷ đồng. Nhiều chi, tổ hội được HND tỉnh, chính quyền các huyện, TP mời các kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đến tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình mẫu để hội viên học tập, làm theo… Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.
Theo đánh giá của HND tỉnh, bước đầu hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết giữa các thành viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp tiêu biểu đã chuyển sang mô hình HTX như: HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam), HTX Ba kích tím Thanh Luận (Sơn Động), HTX Nuôi trồng thuỷ sản Quế Sơn (Hiệp Hòa).
Nhiều chi, tổ hội đang hướng tới phát triển thành HTX và xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: Chi HND nghề nghiệp Sản xuất, tiêu thụ bánh chưng Vân, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa), Chi HND nghề nghiệp trồng cây ăn quả, xã Đông Phú (Lục Nam), Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi lợn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng), Tổ HND nghề nghiệp trồng hoa, xã Hương Sơn (Lạng Giang)...
Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, từ mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp sẽ mở ra hướng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX, hiệp hội ngành hàng và thị trường.
Về lâu dài, việc xây dựng các chi, tổ HND nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.