Dân Việt

"Nhiều người nghĩ cứ có tiền thì giáo viên là người phục vụ"

Tào Nga 06/11/2022 19:10 GMT+7
Phụ huynh cầm dao dọa chém Ban giám hiệu; Giáo viên bị đẩy ra khỏi lớp trước mắt học sinh; Nam sinh nhảy từ tầng 3 xuống đất vì bạn chế giễu; Chủ nợ đến trường đòi đón học sinh... đang khiến mọi người lo lắng về tình trạng an toàn học đường.

Quan niệm về trường học an toàn ngày nay cần được xét lại

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian vừa qua, thầy Đặng Ngọc Ngận thẳng thắn: "Bản thân tôi cho rằng, quan niệm về trường học an toàn ngày nay cần được xét lại. Chúng ta vẫn thường cho rằng 'Trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích là trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh được phòng, chống và giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ. Toàn bộ học sinh của trường được sống và học tập trong một môi trường an toàn' (theo Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GDĐT). Lúc này, chúng ta cần phải nhận rõ, ngay chính bản thân thầy/cô giáo cũng cần được bảo vệ như vậy. Có thế, thầy, cô giáo mới hạn chế được những tổn thương không đáng có, đặc biệt là về tinh thần".

Thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền, tốt nghiệp tại trường đại học Sư phạm Bansomdej Chaopraya, Bangkok, Thái Lan và hiện là hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội, bày tỏ, "Phần lớn những sự việc xảy ra do phụ huynh yêu con thái quá. Muốn giáo dục một đứa trẻ tốt thì cần có sự phối hợp của gia đình. Tuy nhiên, bây giờ mọi người lại quên đi lễ giáo, nghĩ có tiền thì các cô là người phục vụ, chứ không phải người trao kiến thức, rèn nhân cách cho các con.

Ngoài việc đứa trẻ không coi trọng giáo viên, gia đình cũng đang can thiệp quá nhiều vào nhà trường khiến vai trò dẫn dắt của nhà trường bị giảm xuống. Nếu như người đứng đầu mà trình độ quản lý và chuyên môn kém sẽ không thể cảm hóa được phụ huynh ứng xử không đúng mực.

"Nhiều người nghĩ cứ có tiền thì giáo viên là người phục vụ" - Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Tào Nga

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu lý do, sau khủng hoảng Covid-19 sẽ đến khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Chúng ta chưa thực sự chuẩn bị tốt cho học sinh hội nhập về tâm lý với nhà trường. Vẫn còn cảm giác xa lạ với trường lớp, thầy cô, bạn bè. Rồi đã gây nhau trước đó trên mạng xã hội do không có năng lực số vững chắc để sống an toàn trên không gian mạng dẫn đến nhiều hành vi cảm xúc mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khỏe tâm thần, hành xử bốc đồng, hung hăng hơn. 

Cuối cùng, trong và sau đại dịch, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần của chúng ta bị tê liệt. Hệ thống các phòng Tâm lý học đường bị chết lâm sàng, các quy tắc an toàn trong trường học bị lơi lỏng do tất cả quá stress với các nhiệm vụ mới của năm học. Quy tắc ứng xử tại trường học không được củng cố, chỉ treo trên mạng hoặc để trong ngăn kéo nên không có chuyển hóa được thành hành động cụ thể ở các cơ sở giáo dục.

Làm sao để trường học an toàn?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giải pháp bây giờ là kích hoạt lại hệ thống chăm sóc sức khỏe học đường; Củng cố lại Quy tắc ứng xử học đường; Rà soát lại các hạng mục an toàn học đường; Xây dựng hoặc tái thiết của nhóm đặc trách xử lý khủng hoảng trường học, Xây dựng lại nhóm hòa giải ngang hàng; Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về các chủ đề như Sống an toàn trên mạng; Kỹ luật tích cực trong lớp học và gia đình; Kỹ năng kiểm soát cảm xúc và vệ sinh sức khỏe tâm thần; Kỹ năng làm chủ bản thân; Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Còn theo bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO giáo dục Arkki Việt Nam, lý do chương trình giáo dục hiện nay có 3 nhóm môn học cần chú trọng là kiến thức, đạo đức và kỹ năng sống, tuy nhiên, chúng ta mới chỉ quan tâm đến nhóm kiến thức. Học ở trường không đủ, các em còn phải đi học thêm rất nhiều trong khi đó đạo đức và kỹ năng bị bỏ ngỏ.

Những vụ việc xảy ra gần đây, chúng ta không trách phụ huynh, nhà trường và cũng không trách đứa trẻ. Giáo dục cần có 3 trụ cột là nhà trường, gia đình và xã hội. Ở gia đình vợ chồng không hài lòng thì vợ đánh chồng, chồng chửi vợ và đứa trẻ trở thành nạn nhân. Trong nhà trường thầy cô nói xấu nhau. Xã hội không ưa nhau thì… ném mắm tôm vào nhà. Tôi nghĩ đây là bài toán rất khó có lời giải", bà Trúc bày tỏ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay: "Mỗi trường học có hàng trăm, hàng nghìn học sinh cần phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, tính mạng hay các vấn đề như xâm hại tình dục, bắt nạt… Tôi cho rằng các địa phương nên có lực lượng công an chịu trách nhiệm về an ninh. Bằng phương thức nào đó như: bảo vệ, giám sát, gắn chuông khẩn cấp để ấn nút ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp… Bộ GDĐT nên có kiến nghị với các địa phương đưa vấn đề này trở thành quy chế trường học và thực hiện ở tất cả các trường.

Mặt khác, nhà trường luôn phải có đội ngũ bảo vệ, được huấn luyện để đối phó với các tình huống có nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên. Ví dụ, trong trường hợp thấy một phụ huynh hung hăng vác dao qua cổng trường, lực lượng bảo vệ phải lập tức giữ lại, hô hoán trợ giúp không được để lọt vào bên trong.