Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết: Hàng năm Trung tâm triển khai thực hiện trên 20 diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, nhưng đây là lần đầu chúng tôi tổ chức diễn đàn với chủ đề "Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng".
Theo ông Thanh, trước đây, hoạt động khuyến nông thường tập trung vào các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ thuật các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng hiện Trung tâm đang phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện hàng loạt các đề án liên quan đến phát triển sinh kế, thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai cần hướng dẫn bà con ở các vùng cao trên 1.000m2 so với mực nước biển như Sa Pa... gieo cấy đúng kỹ thuật để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa cao nhất.
"Trong phòng chống thiên tai, chúng ta thường quan tâm đến hoạt động cứu hộ, cứu nạn nhưng đứng về khía cạnh sản xuất, chúng tôi lại ưu tiên cho phát triển các mô hình sinh kế. Làm sao để chúng ta giảm thiểu được rủi ro, ảnh hưởng từ các loại hình thiên tai đến sản xuất" - ông Thanh nói, và cho biết: Lào Cai là địa phương đầu tiên được chọn để tổ chức diễn đàn, vì đây là tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng, thiệt hại từ các loại hình thiên tai và có các mô hình sinh kế được triển khai thành công, có thể nhân rộng ra các địa phương khác.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trên khu vực đã xảy ra 26 trận dông, lốc, sét, mưa đá; 111 trận mưa lớn kèm lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại; 14 trận động đất. Tính đến ngày 30/10/2022, thiên tai đã làm 58 người chết, mất tích; 35 người bị thương; 68 nhà sập đổ, 3.880 nhà bị hư hại, tốc mái; 25.145ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.500 tỷ đồng.
Qua đó cho thấy, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của thiên tai ngày càng nguy hiểm, khó lường. Theo ông Tuấn, để hạn chế và giảm rủi ro thiên tai, chúng ta phải có kế hoạch cụ thể ứng phó, phòng, chống từ sớm, từ xa, bao gồm các giải pháp, phục hồi phù hợp cho sinh kế của làng, xã, địa phương mới có hiệu quả tốt.
Ông Tiến nhận định, từ tháng 11/2022 - 1/2023, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%.
Mực nước trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ biến đổi chậm và xuống dần. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, trong đó hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 20 - 40%. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nước cục bộ tại khu vực Tây Bắc trong mùa khô năm 2023...
"Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi; chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối..." - ông Tiến nói.
Sôi nổi hỏi - đáp
Tại diễn đàn, hàng chục nông dân đã kiến nghị, hỏi các nội dung về giải pháp, hỗ trợ bà con bị thiên tai; vận hành, xả lũ an toàn các thủy điện vừa và nhỏ; tổ chức tái định cư cho người dân tại các vùng có nguy cơ bị thiên tai; lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng hay bị thiên tai... Anh Phạm Quyết (ở huyện Mường Khương, Lào Cai) mong muốn Trung tâm
Khuyến nông Quốc gia cần nghiên cứu tổ chức thường xuyên diễn đàn với chủ đề trên tại các vùng miền khác nhau, có khí hậu, bị các loại hình thiên tai khác nhau để bà con nông dân ở các địa phương có cơ hội tiếp cận thông tin trực tiếp, áp dụng vào sản xuất tại gia đình hiệu quả hơn. Bà Nguyễn Thị Thích (TP. Lào Cai) hỏi: Ở vùng thường xuyên bị rét đậm, rét hại kéo dài thì nên trồng giống lúa nào đạt năng suất, chất lượng cao?
Trả lời câu hỏi, ông Lê Quốc Thanh cho biết, thời tiết rét đậm, rét hại ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng là kiểu thời tiết tương đối phổ biến.
"Rất mừng là hiện nay chúng ta có nhiều bộ giống lúa chịu hạn, chịu lạnh tốt. Vừa qua, chúng tôi có chuyển giao cho Lào Cai giống lúa Japonica vừa có năng suất, chất lượng tốt lại có khả năng chịu lạnh, phù hợp với vùng núi phía Bắc. Bà con lưu ý, với vụ xuân ở vùng cao thì ưu tiên lựa chọn các giống lúa chịu lạnh như giống Japonica" - ông Thanh nói.
Thứ hai, theo ông Thanh, bà con cần để ý khi sản xuất gặp thời tiết lạnh, nhất là trong giai đoạn gieo mạ cần chọn địa hình phù hợp và che phủ nylon giữ ấm cho mạ. Nếu quá lạnh, nông dân có thể mắc bóng điện để giữ ấm cho mạ phát triển tốt. Thứ ba, bà con nông dân cần theo dõi thời tiết khi hết đợt gió mùa thứ nhất khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 thì nên tiến hành cấy lúa ngay. Khi cây lúa bén rễ, khỏe rồi thì dù có gặp đợt lạnh tiếp theo cây trồng vẫn phát triển được.