Hiện toàn thành phố có 113.634 ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 54% tổng diện tích tự nhiên; khoảng 50.000 người lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2020 về trước, tăng trưởng bình quân của ngành đạt 5,5%, góp phần thúc đẩy cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế sản xuất đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến ngành chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Thời gian qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề luôn được TP.HCM quan tâm đầu tư, phát triển. Trong đó, Thành phố chú trọng đào tạo nghề, phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh.
Qua đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.
Cũng qua huấn luyện, đào tạo, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nhiều hình thức tổ chức liên kết sản xuất được hình thành hoạt động ngày càng hiệu quả đã góp phần đưa ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tăng bình quân 5,5%/năm.
Việc chuyển đổi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thu nhập và đời sống của người nông dân, góp phần tham gia phát triển nông nghiệp Thành phố trở thành nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Hiện nay, cơ bản các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đều có thị trường tiêu thụ.
Sở NNPTNT TP.HCM đang phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Thành phố, UBND các quận, huyện để rà soát, nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề của người dân cũng như nhu cầu đào tạo, tuyển dụng của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang phát triển những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn.
Song song với việc đào tạo nghề nông nghiệp, Thành phố cũng quan tâm đến vấn đề hỗ trợ sau học nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm học nghề. Một trong những chính sách nổi bật hỗ trợ sau học nghề cho lao động nông thôn đó là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được thành phố ban hành và triển khai thực hiện theo Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 và hiện nay là Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Theo đó, chính sách quy định mức hỗ trợ từ 60-100% lãi suất khi người lao động sau khi học nghề có như cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, áp dụng kiến thức đã học được học vào sản xuất nông nghiệp.