Nuage Rose là bút danh được dịch sát sang tiếng Pháp từ cái tên Hồng Vân của một phụ nữ Việt đã sống tại Pháp từ 1982. Trước cuốn này năm 2017 chị đã in ở Nhà xuất bản Trẻ cuốn sách đầu tay của mình viết bằng tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt nhan đề Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (Trois nuage au pays des nénuphars). Đó là cuốn tự truyện kể về cuộc sống của ba chị em gái Kim Vân, Thanh Vân, Hồng Vân cùng bố mẹ trong những năm chiến tranh ác liệt ở miền Bắc, kết thúc ở năm 1975. Tác giả kể chuyện ở ngôi thứ ba và viết bằng tiếng Pháp để mong giới thiệu với độc giả nước ngoài cuộc sống và con người nước mình. Một độc giả Pháp nhận xét: "Cuốn sách này không nên giữ kín mà cần phải được đọc để không quên rằng trong chiến tranh có những người lính, nhưng cũng có những người dân thường chết chóc, dù nó diễn ra ở bất kỳ nước nào. Cảm động!"
120 NGÀY MÂY THÌ THẦM VỚI GIÓ
Tác giả: Nuage Rose
Nhà xuất bản Trẻ, 2022
Số trang: 319 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 110.000đ
Trong cuốn sách thứ hai này, 120 ngày mây thì thầm với gió, Hồng Vân viết trực tiếp bằng tiếng Việt ở ngôi thứ nhất và kể về cuộc sống của mình trong đại dịch Covid 19. Thời gian thực tế của 120 ngày này là bốn tháng 2,3,4,5/2020 khi tác giả bay đi bay lại Hà Nội – Paris – Vân Đồn - Hà Nội giữa lúc đại dịch bắt đầu bùng phát và nhanh chóng lan rộng. Chị về nước ăn Tết rồi trở sang Pháp khi ở Hà Nội các biện pháp chống dịch đã bắt đầu được triển khai nhưng ở Paris và hầu khắp châu Âu vẫn còn nhởn nhơ, thờ ơ với đại dịch. Điều này có thể thấy ở hình ảnh tiêu biểu là chiếc khẩu trang và việc đeo khẩu trang mà tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách. Về Pháp Hồng Vân bị lây nhiễm Covid may chữa trị được. Chị quyết định đăng ký chuyến bay hồi hương về nước. Sau hai tuần sống cách ly ở một đơn vị quân sự tại Uông Bí chị đã được tái hoà nhập cộng đồng. Và cuốn sách thành hình từ những ghi chép trong 120 ngày trải nghiệm sống chết dịch bệnh đó của một phụ nữ, của một con người.
Trải qua đại dịch và việc chống chọi với nó thời gian qua đã có nhiều cuốn sách được viết ra từ nhiều người khác nhau. Có sách của bác sĩ trực tiếp ở tuyến đầu y tế (Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể – Ngô Đức Hùng). Có sách của các nhà văn (Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua - Sương Nguyệt Minh). Có sách viết từ nước ngoài (Cùng… bay về tâm dịch – Trương Văn Dân). Và sách của hai nữ tiến sĩ văn chương từ Pháp (Paris+14 - Cù Thu Hương; Paris 55 ngày cấm túc – Giáng Hương). So với những sách cùng viết về đại địch đó, cuốn 120 ngày mây thì thầm với gió của Hồng Vân có cái khác.
Cái khác đầu tiên là tác giả không chỉ kể chuyện mình mà còn thao tác như một nhà báo chuyên nghiệp khi dẫn ra những tư liệu, những nguồn thông tin chính xác, khoa học nhằm so sánh, phân tích bản chất việc chống dịch ở Việt Nam và nước Pháp, rộng ra là ở châu Âu và trên thế giới. Một phát biểu về việc đeo khẩu trang là vô ích của bà phát ngôn viên phủ tổng thống Pháp hay một quyết định công bố dịch khi nào của ông giám đốc tổ chức y tế thế giới (WHO) được chị dẫn ra kèm theo những suy luận, đánh giá của mình giúp bạn đọc hiểu được cách ứng xử với đại dịch ở tầm quốc gia và quốc tế trên phạm vi thế giới.
Cái khác nữa, và là cái chính, là Hồng Vân đã từ việc chống chọi đại dịch mà suy xét lại bản thân mình. Điều này trong đại dịch nhiều người đã suy nghĩ và nói tới. Nhưng thường mọi người nói ở góc độ chung, kiểu như con người cần phải trải qua một cuộc khủng hoảng sức khoẻ tính mạng thế này để nhìn lại mình trong quan hệ với tự nhiên và xã hội. Hồng Vân thì đi từ thực tế của bản thân. Chị ra nước ngoài theo tiếng gọi tình yêu nhưng phải rời nước trong cay đắng, tủi hận, bị coi là đứa con gái "lăng loàn" dám yêu người ngoại quốc, bị mất quốc tịch Việt Nam. Đó là một vết thương chị mang mãi theo mình và không nghĩ có ngày hàn gắn. "Từ ngày ấy… tôi đã bị bỏ rơi, ruồng rẫy, như đứa con không còn được cha mẹ nhận. Tôi: một đứa con, như những người con khác của Đất Mẹ." (tr. 192). Nhưng giữa cơn đại dịch, trong khi tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để có được một chỗ trong chuyến bay hồi hương cho người Việt do nhà nước tổ chức và có được tấm vé quý giá, Hồng Vân đã sững sờ. "Vậy là tôi được coi là công dân Việt Nam toàn phần? Nên tôi được hưởng quyền hồi hương của nước tôi tổ chức?" (tr. 191). "Giờ đây "anh cả" giang tay đón tôi về thật ư? Tôi, người phụ nữ lăng loàn thuở ấy? Tôi được hồi hương? Trên chuyến bay đầu tiên được phép." (tr. 193). "Anh cả" là hình ảnh chị dùng cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, người đại diện cho Đất Mẹ tại nước ngoài.
Đó là cả một hành trình tìm kiếm danh tính cá nhân mà Hồng Vân đã canh cánh, khắc khoải lâu nay. Tấm vé hồi hương trong cơn đại dịch đã cho phép chị được về chứ không còn phải là đi không được phép quay lại. Chục năm trước đó chị đã được cấp lại quyển hộ chiếu xanh lá mới tinh và một tờ A4 chứng nhận quốc tịch Việt Nam của mình. "Hai vật giấy này không bình thường dưới mắt tôi, trong mắt tôi. Đây là chứng nhận tôi là… Tôi. Hay đúng hơn là tôi đã quay lại, trở thành "Tôi". (tr. 195). Và giờ đây là tấm vé hồi hương, Đất Mẹ đón đứa con bị ruồng bỏ lâu nay trở về trong cơn chống chọi đại dịch. Sự trở về này đã cởi bỏ được cho chị những nghịch lý cá nhân đã dằn vặt mình bấy lâu.
Tại cuộc ra mắt cuốn sách này ở Hà Nội hôm 5/11/2022 tôi đã đọc tặng Hồng Vân bài thơ ngắn sâu sắc của nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh.
Cùng trên một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang.
Hồng Vân và cử toạ đã tỏ ra tâm đắc với những câu thơ như nói được nỗi niềm sâu kín đó của mỗi người.
Cuốn sách 120 ngày mây thì thầm với gió được viết sinh động, xúc động. Hồng Vân không ghi chép khô khan sự kiện và con số. Chị truyền vào câu chữ những cảm xúc, suy tư của cả hiện tại và quá khứ. Tiếng Việt của Hồng Vân vẫn đầy sắc thái biểu cảm và tinh tế. Trong lời cảm ơn ở cuối sách chị có nói đến việc lựa chọn ngôn ngữ khi quyết định viết sách. Cuốn đầu viết bằng tiếng Pháp thì "Chủ đề là một động cơ. Ngôn ngữ là một thách thức cá nhân." Cuốn sau viết bằng tiếng Việt thì "Chủ đề là một thôi thúc. Ngôn ngữ là một thử thách riêng tư." Ở cả hai trường hợp Hồng Vân đã bước đầu ghi được ấn tượng với người đọc ở cả Pháp và Việt Nam.
Hồng Vân vẫn đang viết. Thực ra 120 ngày mây thì thầm với gió là cuốn thứ ba chị viết nhưng lại là cuốn sách thứ hai của chị được xuất bản. Bản thảo cuốn thứ hai chị đã viết xong kể về câu chuyện đời mình bốn mươi năm trước nhưng chị đang lựa chọn thời điểm thích hợp để cho ra sách. Khi cuốn này được xuất bản, người đọc sẽ có một bộ ba (trilogie) của Hồng Vân, và đó sẽ là một trường hợp thú vị.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 6/11/2022