Hiện nay, không ít bệnh viện cho biết bị "treo" chi phí khám chữa bệnh BHYT vì nhiều lý do khiến cho bệnh viện gặp khó khăn.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành về thực hiện chính sách BHYT ngày 8/11, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết, hiện BHXH Việt Nam đã thành lập tổ công tác và tổ giúp việc để tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ năm 2021 trở về trước.
Trên tinh thần làm việc nghiêm túc, các tổ công tác sẽ nỗ lực giải quyết nhanh các vướng mắc, những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng theo quy định, tuân thủ đúng pháp luật về thực hiện chính sách BHYT.
Hướng dẫn triển khai công tác quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT chia sẻ, ngày 5/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, theo đó việc quyết toán năm 2021 thực hiện theo giá dịch vụ y tế, theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám chữa bệnh đã được cơ quan BHXH giám định.
Do đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH tỉnh rà soát lại chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2021 để đưa vào quyết toán năm 2021. Đồng thời, tổng hợp các chi phí khám chữa bệnh theo kết luận của các Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để giảm trừ hoặc bổ sung theo quy định.
Đối với chi phí vượt dự toán năm 2018, 2019, 2020 đã được Bộ Tài chính đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9324/BTC-HCSN ngày 16/9/2022 (số tiền 1.976,78 tỷ đồng), ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) giải thích rõ: "Chi phí này đã được BHXH Việt Nam tổng hợp vào báo cáo quyết toán năm 2021 và sẽ được BHXH Việt Nam thông báo thanh toán bằng văn bản ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Với chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2022, ông Phúc cho biết: theo các quy định hiện hành, việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh theo đúng quy định tại khoản 1, 2 Điều 32 Luật BHYT và Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Đối với quyết toán quý, yêu cầu BHXH tỉnh phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện thông báo Tổng mức thanh toán dự kiến của năm đối với cơ sở khám chữa bệnh BHYT, và được tính theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (ngày 17/10/2018) của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Nghị quyết 144/NQ-CP về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ngày 5/11/2022 nêu rõ: Cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2021 bằng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật BHYT năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 46/2014/QH13, trong đó:
Tiền khám bệnh, tiền giường và tiền dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT: Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá theo quy định hiện hành.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT: Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 5/11/2022.
Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày 5/11/2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày 5/11/2022.