Tâm tư của một giảng viên ở TP.HCM trước "tin đồn" thu nhập của giảng viên đại học lên đến cả trăm triệu đồng thu hút nhiều sự chú ý những ngày qua. Nhiều ý kiến quanh chủ đề này được đưa ra nhưng hầu hết đều khá mơ hồ với khoản thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng của giảng viên đại học.
Trước câu hỏi có hay chăng chuyện giảng viên thu nhập cả trăm triệu đồng, đại diện truyền thông một trường đại học tại TP.HCM khẳng định: "Có đấy!".
Ông này cho biết, trường mình là một trường thực hiện cơ chế tự chủ nhiều năm qua, vừa qua, thống kê có một số người có mức lương khoảng 60-65 triệu đồng/tháng. Chưa tính các khoản thu khác như nghiên cứu khoa học, viết bài báo cáo khoa học trên các tạp chí, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
"Thu nhập giảng viên trên cả trăm triệu đồng là có nhưng số người đạt không nhiều, tập trung các Tiến sĩ làm nghiên cứu khoa học", người này cho hay.
Người này chia sẻ thêm, thu nhập của giảng viên sẽ vào tùy cơ chế lương của từng trường. Quy chế lương của nơi ông công tác so với mặt bằng hiện ở mức cao, nhất là đối với Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Chính vì cơ chế này nên nhiều năm qua, trường đã thu hút không ít giảng viên là Phó Giáo sư, Tiến sĩ từ nhiều trường khác về.
Nhưng giảng viên, nhân viên trình độ Thạc sĩ trở xuống mức lương lại thấp vì nhà trường muốn giảng viên phải nỗ lực học thêm để lên Tiến sĩ.
Ông nói thêm: "Nếu nói thu nhập của giảng viên cả trăm triệu đồng hay giảng viên thu nhập thấp 10 - 20 triệu đồng đều không sai. Tùy trường và tùy mỗi giảng viên".
Một trong những trường đại học tại TP.HCM hút "nhân lực" trong nhiều năm qua phải kể đến Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với cơ chế lương hấp dẫn.
Theo công bố của lãnh đạo trường vào thời điểm 2019, chỉ sau 3 năm thực hiện tự chủ, thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên tại trường đã tăng 150%. Thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên tăng từ 15 triệu/tháng lên 22 triệu/tháng.
Thu nhập bình quân của Phó Giáo sư là 63 triệu đồng/tháng, Tiến sĩ là 33 triệu đồng/tháng, có người còn đạt tới mức 100 - 200 triệu đồng/tháng từ nhiều khoản khác bên cạnh giảng dạy.
Còn hiện tại, PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường thông tin, để biết mức thu nhập hiện tại của giảng viên phải kiểm tra, thống kê lại. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng sẽ không có con số cố định nào.
Thu nhập của giảng viên đến từ nhiều khoản như lương nhà nước, lương tăng thêm, tiền giảng vượt giờ, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, làm đề tài nghiên cứu khoa học, viết báo, dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài trường cùng các hoạt động khác....
Trong một cuộc gặp mặt gần đây, PGS.TS Lê Hiếu Giang cho biết, trường có thể thưởng cả trăm triệu đồng cho một bài báo. Tuy nhiên, trường vẫn bị mất giảng viên vì có trường khác có mức thu nhập còn cao hơn.
Theo thông báo tuyển dụng công khai của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mức thu nhập tham khảo đối với giảng viên là Giáo sư là 50-55 triệu đồng cho năm đầu tiên vào làm việc và tăng lên 60-70 triệu đồng từ năm thứ ba. Phó Giáo sư nhập thấp hơn 5 triệu so với mức trên. Thạc sĩ và Tiến sĩ dao động từ 20-40 triệu đồng tùy năm.
Ngoài ra, người lao động được trường hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; được miễn/giảm định mức giờ chuẩn, định mức nghiên cứu khoa học đối với giảng viên được cử đi đào tạo/bồi dưỡng nước ngoài; được thưởng đối với giảng viên hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ đúng hạn hoặc trước hạn và các khoản hỗ trợ khác khi viên chức hoàn thành chương trình đào tạo.
Mức thu nhập tham khảo trên bao gồm lương nhà nước, thu nhập từ trường, phụ cấp, phúc lợi, thưởng Tết, thù lao từ hoạt động giảng dạy/nghiên cứu, tính bình quân theo tháng.
Chưa kể, ngôi trường có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm này còn mạnh tay chi nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân sự có trình độ cao, các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước cũng như chế độ, chính sách hỗ trợ khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.
Trước tin đồn giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có thu nhập cả trăm triệu đồng, một giảng viên làm việc tại trường lắc đầu: "Đâu ra?". Theo người này, Phó Giáo sư tại trường dạy "hết xí quách" thu nhập không đến 30 triệu đồng/tháng. Có thể một số giảng viên có các khoản khác từ các dự án, sáng chế, chuyển giao công nghệ..., nhưng khoản thu nhập này theo đợt, theo dự án chứ không phải là thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, theo người này, không ít giảng viên giữ cái danh ở trường, hoàn thành công việc tại trường rồi làm thêm, hợp tác, cộng tác cho các doanh nghiệp. Có những người thu nhập rất cao, đời sống cao nhưng thu nhập chính của họ không đến từ công việc giảng viên ở trường.
Trong nhiều năm gần đây, nhiều trường sau khi tự chủ, tổng thu tăng lên và thu nhập của giảng viên cũng tăng mạnh.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ.
Phụ trách một trường đại học ở TP.HCM cho biết, nguồn thu của các trường tăng sau khi tự chủ chủ yếu từ nguồn tăng học phí. Có thể nói một cách dễ hiểu, học phí tăng và thu nhập của giảng viên tăng.