Phía gia đình NSƯT Quốc Nam cho biết, lễ viếng bắt đầu từ lúc 6h30 hôm nay (12/11). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra vào lúc 11h15 ngày 13/11. Sau đó, NSƯT Quốc Nam được an táng tại nghĩa trang Xứ Cồn Bóng, phường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh. Sự ra đi của tác giả Điệu ví giặm là em khiến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. "Vĩnh biệt nhạc sĩ của Điệu ví giặm là em! Thương chú!", NSƯT Tố Nga bày tỏ.
"Vĩnh biệt NSƯT Quốc Nam, vĩnh biệt một nghệ sĩ tài hoa! Chúc anh tiếp tục hành trình dạo chơi của mình nơi miền mây trắng! Xin chia buồn cùng gia quyến của anh!", facebooker Nguyễn Đình Thông bày tỏ.
Nhạc sĩ Quốc Nam (tên thật là Trần Quốc Nam) sinh năm 1952 ở khu phố Bồng Sơn, nay là TP. Hà Tĩnh. Theo gia đình đi sơ tán ở Thạch Hương (Thạch Hà), khi còn học cấp 2 Quốc Nam đã may mắn gặp ông nội NSND Châu Loan là cố Nhuyến (Vĩnh Linh) phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng. Gia đình cố Nhuyến có gánh hát ở phía Nam cầu Bến Hải, vì chiến tranh nên ly tán người Nam kẻ Bắc, cố Nhuyến đã cõng cháu là NSND Châu Loan ra Bắc vào công tác tại Ban Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Được cố Nhuyến "truyền nghề" sớm, những năm học phổ thông trên ghế nhà trường, Quốc Nam đã biết sử dụng các nhạc cụ nhị, đàn bầu, sáo trúc, mandolin, guitar... Năm 1970, ông vừa học nghề, vừa là trợ giảng cho trường nghệ thuật của tỉnh. Sau đó, ông đi tu nghiệp tại Hà Nội. Năm 1977, NSƯT Quốc Nam về làm nhạc công thổi sáo tại Đoàn Cải lương Nghệ - Tĩnh. Sau một năm, ông làm chỉ huy trưởng dàn nhạc và tiếp đó ông lần lượt đảm nhận vai trò Phó đoàn, Trưởng đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh.
Thời kỳ nhập tỉnh 1976 - 1991, Quốc Nam có những chuyến đi thực tế, sưu tầm, sáng tác, gặp gỡ và gắn bó với những vùng quê sản sinh các làn điệu dân ca ví giặm. Được "đằm mình" trong mạch nguồn ví giặm, điều luôn thôi thúc ông là phải làm sao để tạo tác thêm sức sống mới cho âm nhạc truyền thống trong đời sống âm nhạc hiện đại. Vì vậy, ông cũng đã thể nghiệm và ghi dấu ấn với tư cách là người viết nhạc cho nhiều vở diễn của đoàn như: Kim Vân Kiều, Người trong kỳ vọng (vở diễn về cụ Phan Đình Phùng), Tống Trân Cúc Hoa, Hoa khôi dạy chồng...
"Điệu ví giặm là em" qua giọng hát của Tố Nga. (Nguồn: YouTube)
Ông cũng là người kể chuyện về con người và mảnh đất quê hương bằng ca khúc như: Lẽ nào quên em (Về 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc), Hương quê, Những ngôi sao, Tượng đài cây Mẫu tử, Non nước Thiên Cầm, Chốn quê, Đôi bờ ví giặm... Năm 2007, Quốc Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Ca khúc Điệu ví giặm là em gắn liền với NSƯT Quốc Nam, được ông sáng tác vào năm 2010. Ca khúc này đã được rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện, có tên trong nhiều album của NSND Thu Hiền, NSƯT Thanh Loan và các ca sĩ Anh Thơ, Tố Nga, Phương Thanh, Thu Trang, Huyền Trang, Bùi Lê Mận, Nguyệt Anh, Thùy Dung, Bùi Lê Mận...
Lý giải về sự thành công của Điệu ví giặm là em, NSƯT Quốc Nam từng cho rằng, ca khúc này không chỉ mang âm hưởng mà còn mang đậm phong cách dân gian như tính đại chúng, dễ hát, dễ đi vào lòng người. Cái khó khi lựa chọn hình thức thể hiện là sáng tác trên nền giai điệu ví giặm nhưng với tiết tấu mới, không làm "cũ hóa" dân ca mà phát huy được cái hay của giai điệu ví giặm trên nền tiết tấu âm nhạc hiện đại.