Theo Quyết định 919 phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã bổ sung nhóm sinh vật cảnh vào là 1 trong 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Tại TP.HCM, cá cảnh là sản phẩm nông nghiệp mà thành phố có nhiều lợi thế. Quyết định này sẽ hỗ trợ cho các loại cá cảnh chủ lực, mang thương hiệu riêng của TP.HCM được gắn sao OCOP, phát huy hơn nữa các lợi thế mà mà thành phố đang có.
Ông Trương Trung Cường (ngụ tại xã Tân Nhựt) là một trong những nông dân tiêu biểu tại huyện Bình Chánh về nuôi cá chép Nhật, cá Koi. Cá chép Nhật và cá Koi là hai loại cá cảnh chủ lực giúp ông Cường mang lại thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Cường, trước đây, nông dân xã Tân Nhựt thường trồng lúa, nuôi cá thịt nhưng năng suất thấp. Sau này, các ao nuôi được cải tạo, chuyển qua nuôi cá chép. Do phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên chất lượng cá tốt, nhu cầu của thị trường, nhất là tại đô thị lớn như TP.HCM rất cao. Nhờ vậy, đầu ra luôn ổn định, giá trị kinh tế cao và còn xuất khẩu sang nhiều nước.
Hiện ônng Cường đã và đang tích cực hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho nông dân trong xã phát triển nghề nuôi cá cảnh trong ao đất. Với diện tích mặt nước lớn, thời gian qua, các hộ đã phát triển, mở rộng quy mô và cùng nhau liên kết sản xuất.
HTX cá cảnh Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu về nuôi cá chép Nhật, cá chép Koi hiện nay ở TP.HCM. Đại diện HTX cho biết so với các vùng nuôi cá khác, cá chép của HTX có màu sắc đặc trưng riêng được "dân chơi cá cảnh" thích thú, đánh giá cao.
Thương hiệu của HTX cá cảnh Bình Lợi cũng như một số hộ trong HTX đã có trên thị trường. Vì vậy, đại diện HTX cho biết rất kỳ vọng sản phẩm cá cảnh được gắn sao OCOP, để nâng tầm thương hiệu cũng như khi nhắc đến xã Bình Lợi, người ta không chỉ nghĩ đến hoa mai vàng, mà còn cá chép Koi, đúng với tinh thần của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Tại TP.HCM, cá cảnh được nuôi nhiều tại hai huyện Củ Chi và Bình Chánh. Hiện TP có 2 HTX và một số tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá cảnh. Cá chép Koi, cá xiêm, cá ba đuôi, cá bảy màu, cá hồng kim, cá bạch kim… là những loại cá cảnh nổi tiếng tại TP.HCM, tiếng vang đi khắp cả nước cũng như thế giới.
Theo thống kê của Sở NNPTNT, năm 2020 (tức trước dịch Covid-19), lượng cá cảnh xuất khẩu trên địa bàn TP đạt 16,41 triệu con, kim ngạch xuất khẩu 17,26 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Bình quân giai đoạn 2016-2020, lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 3,8%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,2%/năm. Thị trường xuất khẩu cá cảnh chủ yếu của HTX, tổ hợp tác tại TP.HCM hiện nay là châu Âu (chiếm 54,1%), châu Á (chiếm 29,2%) và châu Mỹ (chiếm 14,3%).
Đại diện Sở NNPTNT TP.HCM nhận định cá cảnh là một trong số những nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP. Cá cảnh chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của TP.HCM và có xu hướng phát triển ổn định. Cá cảnh cũng phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn, có khả năng cạnh tranh phát triển.
Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất là khả thi và được các chủ thể sản xuất thời gian qua ứng dụng rộng rãi. Cá cảnh có tiềm năng mở rộng thị trường, cho lợi nhuận và giá trị kinh tế cao.
Với giá trị kinh tế cao và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, Sở NNPTNT TP.HCM đã xác định hoa, cây kiểng là nhóm sản phẩm tiềm năng cho Chương trình OCOP trên địa bàn. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP về việc xây dựng tiêu chí OCOP cho sản phẩm cá cảnh, hoa và cây kiểng nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm này tham gia Chương trình, khẳng định thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM.