Dân Việt

Taksin - vị Đại đế Thái Lan mang nửa dòng máu Trung Hoa, có gì đặc biệt?

PV 15/11/2022 23:15 GMT+7
Năm 1981, nội các Thái Lan đã thông qua một nghị quyết phong tặng vua Taksin danh hiệu “Đại đế”. Vị vua này có tầm quan trọng ra sao trong lịch sử Thái Lan.

Taksin (Somdet Phra Chao Taksin Maha Rat) sinh ngày 17/04/1734. Ông là người Thái gốc Hoa, con của Trịnh Dong, một viên quan thu thuế đến từ Triều Châu, còn mẹ ông là người Thái.

Tên tiếng Hoa của Taksin là Trịnh Chiêu hay Trịnh Tín. Sách sử tiếng Việt còn gọi ông là Trịnh Quốc Anh hay Trình Quốc Anh.

Ông là thủ lĩnh đã giải phóng Xiêm La khỏi sự chiếm đóng của Miến Điện sau khi Ayutthaya thất thủ năm 1767. Lúc nhỏ ông được Chao Phraya Chakri, Tể tướng trong triều đại của Quốc vương Boromakot nhận nuôi và ban cho tên Sin (nghĩa là tiền bạc, của cải).

Taksin - vị Đại đế Thái Lan mang nửa dòng máu Trung Hoa, có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Tượng đài vua Taksin ở Chanthaburi.

Khi lên 7 tuổi, Sin được giao cho một nhà sư tên là Thongdee để bắt đầu tiếp nhận giáo dục trong một chùa tên là Wat Kosawat. Sau bảy năm ông được cha nuôi cho làm công việc tiểu đồng vương thất.

Khi còn là tiểu tăng, Sin cùng bạn của mình là Thong-Duang, kể rằng mình gặp một thầy bói người Hoa và người này nói rằng cả hai có đường vận may mắn trong bàn tay và sẽ đều làm quốc vương. Không ai cho rằng điều này là nghiêm túc, song Thong-Duang về sau trở thành người kế nhiệm Taksin, tức Rama I.

Sau 3 năm làm sư, Sin phụng sự cho Quốc vương Ekatat và là phó thống đốc thứ nhất rồi thống đốc của tỉnh Tak, do vậy mà ông được gọi là Phraya Tak, tức thống đốc tỉnh Tak- tỉnh gặp nguy hiểm từ Miến Điện.

Năm 1765, trước khi Ayutthaya thất thủ, ông cùng 500 tùy tùng phá vây đến Rayong, ở bờ Đông của vịnh Thái Lan. Hành động này chưa từng được giải thích thỏa đáng, do vương cung và Ayutthaya nằm trên một hòn đảo. Thêm nữa, cách thức Taksin và tùy tùng phá vây vẫn còn là điều bí ẩn. Đến năm 1767, Ayutthaya hoàn toàn thất thủ, nước Xiêm bị chia thành 6 phần, trong đó phần duyên hải phía Đông do Taksin kiểm soát.

Người Miến sau khi cướp phá Ayutthaya chỉ lại một ít binh sĩ, chuyển lực lượng về phía Bắc, nơi Miến Điện đang chịu sự đe dọa từ nhà Thanh. Về phía mình, Taksin thì thống lĩnh hơn 5.000 binh sĩ với ý chí chiến đấu cao và đã tấn công quân Miến, đồng thời mang lại chiến thắng vẻ vang.

Nhận thấy Ayutthaya đã bị tàn phá nặng nề và nơi đây cũng quá quen thuộc với người Miến nên để tránh bị người Miến quay trở lại cướp phá, Taksin đã chọn Thonburi làm tân đô. Taksin nhận thấy rằng, với đường thủy thuận lợi, nếu không thể giữ Thonburi trước một cuộc tấn công của kẻ thù, ông có thể đưa quân lên tàu và tiến hành triệt thoái đến Chantaburi.

Taksin đã trị vì tới năm 1782 nhưng trong 7 năm cuối, quyền uy được giao phó cho hai vị tướng tin cẩn và cũng là anh em, là Chao Phya Chakri (Thong-Duang) và Chao Phya Sarisih. Hai vị tướng này đã chiếm lại Chiang Mai, mở mang bờ cõi Thái Lan tại phía Bắc, tràn qua Campuchia và Lào ở phía Đông. Chính trong chiến dịch tràn quân qua Lào mà đội quân Thái chiếm được bức tượng Phật Ngọc Bích (the Emerald Buddha) rất nổi tiếng.

Sau này có thể do quá căng thẳng vì các cuộc chiến tranh nên vua Taksin trở nên bất thường và tàn bạo. Chứng bệnh hoang tưởng (paranoid), có lẽ do quá lo lắng về chiến trận, đã khiến nhà vua tưởng mình là một Bồ tát. Ông đã hành hạ các sư tăng, các vị quan đại thần cùng trẻ em, bắt họ phải thú nhận những tội lỗi không có thật.

Vào tháng 3/1782, cuộc nổi loạn của Phi Nhã Oan Sản đã xảy ra khiến cho vua Taksin phải thoái vị và vào sống trong một tu viện. Khi đó tướng Chao Phya Charki đang đưa quân đi giao chiến với quân chúa Nguyễn ở Việt Nam. Ông giảng hòa với người Việt và nhanh chóng quay về Thái. Khi ông về đến Thonburi, phiến quân đầu hàng. Chao Phya Charki được tôn lên làm vua với vương hiệu Rama I.

Năm 1981, nội các Thái Lan đã thông qua một nghị quyết phong tặng vua Taksin danh hiệu “Đại đế”.