Chiều 17/11, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Một sức khỏe – Cơ hội và thách thức".
Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, gắn kết các hoạt động liên quan trong lĩnh vực Một sức khỏe. Được biết, ĐH Nông Lâm TP.HCM là thành viên chủ chốt trong mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam. Đơn vị này cũng là một trong những trường đầu tiên tham gia tìm hiểu và triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu liên quan lĩnh vực này.
Một sức khỏe được định nghĩa là hướng tiếp cận tích hợp, thống nhất nhằm mục tiêu cân bằng bền vững và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và cả hệ sinh thái.
Hướng tiếp cận này nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau giữa sức khỏe của con người, thú nuôi, thú hoang dã, thực vật và môi trường xung quanh (bao gồm cả hệ sinh thái).
Hướng tiếp cận này huy động nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và các cộng đồng khác nhau làm việc cùng nhau để tăng cường sức khỏe và giải quyết các mối đe dọa đối với sức khỏe và hệ sinh thái, đồng thời giải quyết nhu cầu chung về thực phẩm, nước, năng lượng và không khí lành mạnh, hành động đối phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào phát triển bền vững.
Tăng cường khả năng phòng, phát hiện và hành động ứng phó trong lĩnh vực y tế và thú y
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, hiện nay, sức khỏe con người bị ảnh hưởng bởi nhiều bệnh truyền nhiễm. Trong đó, có đến 60% bệnh lây từ động vật sang người.
"Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM hiện đang đào tạo ngành bác sĩ thú y, kỹ sư chăn nuôi với khả năng có thể góp phần ngăn chặn các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Chính vì vậy, buổi tọa đàm này sẽ phần nào chỉ ra được trách nhiệm quan trọng của các bên liên quan trong vấn đề sức khỏe hiện nay và những giải pháp để hợp tác, giải quyết vấn đề này", PGS.TS Nguyễn Tất Toàn nói.
Theo ghi nhận, buổi tọa đàm được các chuyên gia trong lĩnh vực như Tiến sĩ Atul Gawande – Phó tổng giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID), kiêm giám đốc của Chương trình y tế toàn cầu USAID; TS. Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam; TS. Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam; TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam; GS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng – Đại học Y Hà Nội trao đổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của hướng tiếp cận Một sức khỏe đối với việc phòng ngừa các đại dịch trong tương lai và các virus mới xuất hiện; tăng cường khả năng phòng, phát hiện và hành động ứng phó trong lĩnh vực y tế và thú y.
Tọa đàm cũng chia sẻ những chương trình Một sức khỏe thành công đã được thực hiện tại Việt Nam; nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh sức khỏe toàn cầu dựa trên các thành công của chương trình phối hợp hành động đa ngành đối phó với các dịch bệnh SARS, cúm gia cầm và Covid-19.
Tọa đàm sử dụng tiếng Anh 100% không có phiên dịch, nhưng hàng trăm sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đặc biệt là sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y chăm chú lắng nghe và sôi nổi đưa ra các câu hỏi.
Trao đổi với Dân Việt, Võ Minh Trường - sinh viên năm thứ 5 ngành Chăn nuôi Thú y - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, tọa đàm là cơ hội tuyệt vời giúp sinh viên nhà trường định hướng được các hoạt động sắp tới về sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường. Đặc biệt, trong mạng lưới sức khỏe tại Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra hướng tiếp cận để có thể giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu.
"Thông qua tọa đàm, sinh viên được tiếp cận hướng giải quyết vấn đề từ gốc, có tính ứng dụng cao. Em rất mong nhà trường sẽ tổ chức nhiều buổi tọa đàm có tính chất quan trọng như thế này để sinh viên được tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị, uy tín... từ đó tạo động lực để sinh viên tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu thêm", Trường nói.
Tương tự, sinh viên Lệ Trinh (năm 5, khoa Chăn nuôi Thú y) cho biết, việc tổ chức tọa đàm đã đưa khái niệm Một sức khỏe đến với sinh viên, lan tỏa khái niệm này cho tất cả sinh viên đang theo học về sự gắn kết của sức khỏe con người - sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường. Cùng với đó là sự kết nối đa ngành. Dự tọa đàm, sinh viên có thể mở mang kiến thức về dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, cũng như các vấn đề liên quan đến kinh tế.
"Tôi rất thích việc sinh viên được tham gia, giao lưu, đặt câu hỏi với các chuyên gia. Việc này giúp sinh viên mở mang kiến thức và hội nhập hơn. Tuy nhiên, vấn đề Một sức khỏe vẫn còn nằm trong phạm vi chuyên ngành, chủ yếu sinh viên khoa thú y, nhân y mới được tiếp cận. Nên tổ chức hoạt động thông qua webinar (hội thảo trực tuyến) để phổ biến rộng rãi hơn vấn đề này đến sinh viên những ngành khác cũng như những ai quan tâm", Lệ Trinh nêu ý kiến.