Bức xạ trên điện thoại là một dạng của bức xạ điện từ, không chỉ có trong điện thoại mà còn tồn tại trong hầu hết các thiết bị công nghệ quen thuộc hằng ngày như tivi, lò vi sóng, modem, router mạng,… Bức xạ có nhiều cấp độ để hình thành nhiều loại sóng khác nhau.
Ở các mức bức xạ có bước sóng càng ngắn thì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ càng cao. Bức xạ từ việc trao đổi sóng trên điện thoại được liệt vào dạng sóng radio, gọi đầy đủ là radiofrequency radiation (RF). Sóng RF này phát ra loại bức xạ an toàn, không giống như trên tia X hay UV vốn phát ra bức xạ gây ảnh hưởng lên cơ thể.
Thêm nữa, đối với các sóng phát ra từ điện thoại hay máy tính bảng thì bức xạ phát ra là loại không ion hoá (non-ionzing radiation), vốn chỉ phát ra đủ năng lượng để có thể dịch chuyển nguyên tử, nghĩa là cùng lắm sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ, chứ không thể loại bỏ nguyên tử như các loại bức xạ có ion hoá như tia UV, tia X và Gamma. Chung quy lại, bức xạ có bức xạ này và bức xạ kia, cái hại cái không, và trên smartphone là không hại.
Thậm chí, để bảo vệ người dùng, các dòng smartphone trước khi bán ra đều được kiểm tra mức bức xạ phát ra để có thể được bán ra tại các thị trường lớn như EU và Mỹ. Tại Châu Âu, các nhà lập pháp đã đưa ra một phương pháp đo lường bức xạ điện thoại thông qua mức hấp thụ cụ thể – Specific Absorption Rate hay còn gọi là SAR.
SAR sẽ dựa trên một đơn vị đo lường đại diện cho mức năng lượng điện từ hấp thụ bởi cơ thể khi dùng điện thoại; cụ thể, người ta sẽ đo lúc người dùng đang áp lên tai để nghe điện thoại và tại phần cơ thể khi nhét điện thoại vào túi. Mức SAR tiêu chuẩn của bức xạ được quy định ở mức 2 watts trên kilogram, được đo chuẩn trên 10g tại nơi có hút tín hiệu nhiều nhất trên cơ thể.
Hiện tại, mức bức xạ cao nhất đạt được trên smartphone thuộc về mẫu Motorola Edge năm được ra mắt năm 2020, với mức bức xạ đạt 1.79 watts trên kilogram. Vẫn chưa đạt mẫu tiêu chuẩn bị cấm, tức nghĩa hiện tại tất cả smartphone được thị trường lớn như Mỹ và EU xem là an toàn, nên chúng ta không cần phải lo nhiều. Dĩ nhiên là trừ khi có bên gian lận như vụ gian lận khí thải của Volkswagen vào năm 2015, nhưng điều khiển bức xạ dễ dàng hơn so với việc cắt giảm khí thải, nên cũng không hãng nào phải cất công đi gian lận đâu.
Cho đến hiện nay, ngoại trừ Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã liệt điện thoại vào nhân tố có thể gây ung thư vào năm 2011. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Ung thư quốc gia của Hoa Kỳ, những nghiên cứu vào năm 2011 của IARC bị giới hạn và không có tính xác thực cao bởi lượng người tham gia không có tỷ lệ ung thư đồng đều.
Một số cơ quan uy tín khác như Uỷ ban Môi trường và Sức khoẻ của Mỹ cũng đã xác nhận hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng sóng điện thoại gây hại. Ngoài ra, FDA Hoa Kỳ cũng đã có những nghiên cứu sinh học với sóng RF và đã không chứng minh được sự tương quan giữa mức độ tiếp nhận sóng cũng và sức khoẻ của người tiếp xúc.
Dẫu không gây ảnh hưởng lên người trưởng thành, nhưng đã có những lo ngại về việc sóng RF phát ra có thể gây ảnh hưởng lên trẻ em và thai nhi. Cụ thể, bức xạ từ điện thoại có thể gây ra ảnh hưởng lên DNA của trẻ nhỏ. Bởi vì các bộ phận cơ thể cũng như cấu trúc cơ thể của trẻ chưa được phát triển toàn diện, không thể chặn được sóng RF như người trưởng thành.
Thậm chí, trên trang web của Uỷ ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế trẻ nhỏ tiếp xúc gần với điện thoại như: Hạn chế để điện thoại lại gần đầu của trẻ, dùng các mẫu loa ngoài và các dòng tai nghe sản sinh ra ít sóng RF, giữ khoảng cách giữa thiết bị không dây với trẻ,… cùng với những lưu ý khác nhằm bảo vệ sự an toàn của trẻ nhỏ.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, đặc biệt không để quá gần với đầu. Điều này sẽ vô tình làm sóng RF tác động lên trẻ, hãy sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính bảng hoặc TV để cho trẻ coi từ khoảng cách xa, hạn chế những tác động không mong muốn.
Dẫu bức xạ phát ra từ sóng điện thoại không gây hại cho sức khoẻ người trưởng thành thì bạn cũng không nên để điện thoại sát bên khi đi ngủ để bảo vệ an toàn cho bạn cũng như điện thoại của bạn. Thứ nhất, để điện thoại trên giường thậm chí là dưới gối có thể gây nóng và xảy ra những tai nạn không mong muốn, đặc biệt là khi vừa sạc pin vừa để điện thoại trên nệm.
Thứ hai, việc để điện thoại kế bên làm chúng ta dễ tiếp xúc điện thoại nhiều trước khi ngủ, điều này vô tình làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, ánh sáng xanh từ màn hình làm cho bạn cảm thấy khó ngủ hơn.
Ngoài ra, để điện thoại sát gối khi ngủ sẽ làm bạn có nguy cơ trễ giờ làm, để máy kế bên làm cho chúng ta dễ dàng tắt báo thức mà không cần ngồi dậy. Khi đó chúng ta sẽ có xu hướng ngủ tiếp, thế là trễ làm, mình đã trải qua rồi.
Khác với điện thoại, các cột phát sóng của trạm phát sóng có công suất lớn và mức độ bức xạ cao hơn nhiều. Dẫu chưa có các nghiên cứu cụ thể, nhưng cũng đã có nhiều bài báo cũng như các trường hợp thực tế bị ảnh hưởng do việc tiếp xúc với trạm phát sóng lâu dài, nhất là tại những nơi có trạm phát công suất lớn. Từ kiệt sức cho đến mất ngủ và giảm trí nhớ (trích báo Nhân Dân), Bởi công suất phát ra cũng khá nhiều, nên tiềm năng gây ảnh hưởng xấu lên người dùng của trạm phát sóng vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, điều đó chỉ sẽ xảy ra nếu như trạm phát sóng được chạy ở công suất quá lớn, vốn sẽ không được phép ở những khu có người ở, đặc biệt là các nơi thành thị hay khu dân cư. Vì thế chúng ta có thể phần nào an tâm về các trạm phát sóng điện thoại ở trong nội thành.