Dân Việt

Cá độ bóng đá mùa World Cup 2022: Hiểm họa khôn lường

Long Nguyên 18/11/2022 14:10 GMT+7
Cũng như những giải bóng đá lớn trước đây, khi World Cup 2022 chuẩn bị khai mạc, vấn đề liên quan đến cá độ tại Việt Nam lại trở thành đề tài được quan tâm dù ai cũng biết trò đỏ đen này không hề có lợi mà chỉ mang đến những tác hại với nhiều mức độ khác nhau.

Trong nội dung bài viết này, người viết không đề cập đến những màn cá độ bóng đá mang tính vui vẻ kiểu "bát phở, chầu cà phê" hay xôm tụ hơn là một bữa bia ngoài quán giữa những người bạn hoặc đồng nghiệp cùng cơ quan. Phạm vi được bàn đến là những tay chơi có máu đỏ đen thực sự, thậm chí có thể dính dáng đến yếu tố vi phạm pháp luật và mang tính tổ chức với nhiều người cùng tham gia.

Khoảng hơn 20 năm trước, cá độ bóng đá xuất hiện ở Việt Nam khá sơ khai và… công khai dù bị coi là bất hợp pháp. Những người chơi sau khi tham khảo thông tin về trận đấu có thể gặp "chủ bóng" để lựa chọn "kèo" và trực tiếp đặt số tiền muốn chơi. Chủ bóng sẽ ghi "kèo" của khách chơi vào một mảnh giấy được gọi là "tích kê" và coi đó là bằng chứng để "giao dịch" nếu người chơi chiến thắng.

Cá độ bóng đá mùa World Cup 2022: Hiểm họa khôn lường - Ảnh 1.

Cá độ bất hợp pháp ẩn chứa rất nhiều tác hại. Ảnh: Vietnamnet

Cá độ bóng đá ẩn chứa vô số tác hại

Sau đó, vào khoảng năm 2004-2005, với sự phát triển của internet, cá độ bóng đá trên mạng internet phát triển rầm rộ, mang tính phổ biến. Với một số trang bóng đá có máy chủ ở nước ngoài như ibetxxx, bongxxx, soccerxxx…, các nhà cái sẽ lấy nhiều trang bóng về rồi đưa cho khách chơi với mức cược được thỏa thuận tùy người.

Với cách chơi này, các tay chơi cá độ chỉ cần ngồi nhà, liên lạc với chủ bóng là dễ dàng có được một trang cá cược để "cày". Cách thức thanh toán cũng tùy thuộc giữa hai bên giao dịch với nhau về ngày thanh toán, số tiền thanh toán.

"Cờ bạc là bác thằng bần", điều đó được chứng minh qua việc nhiều đường dây cá độ bóng đá bị phanh phui, các chủ bóng phải trả giá trước pháp luật. Những người chơi cá độ cũng tan cửa, nát nhà, mất công việc và không ít người đã có nhiều hành động mất kiểm soát, khi số nợ quá lớn.

Gần đây, cá độ bóng đá phát triển còn tinh vi hơn nữa. Theo đó, người chơi cá độ thậm chí không cần phải liên hệ với chủ bóng mà chỉ cần tự lên mạng tìm kiếm là có thể dễ dàng tải về một trang cá độ nào đó. Sau đó, người chơi nạp tiền từ tài khoản cá nhân của mình vào tài khoản của trang cá độ là có thể chơi với bất cứ mức giá nào.

Nhưng với nhiều tay chơi với số tiền lớn, việc chơi này khá "tù mù" và ẩn chứa nguy cơ rủi ro là bị nhà cái… "bùng", không trả cả gốc lẫn lãi nếu thắng. Vũ Hải L., một người có "thâm niên" cá độ gần 20 năm cho biết: "Với tôi, do chơi bằng số tiền lớn nên dù mất "phế" (số tiền nhận được ít hơn so với mức được do nhà cái đưa ra) cho chủ bóng, nhưng tôi vẫn chấp nhận. Mặc dù vậy, tôi cũng vẫn duy trì một trang cá độ để tự chơi theo kiểu "văn nghệ" mỗi khi… hết tiền".

Cá độ bóng đá mùa World Cup 2022: Hiểm họa khôn lường - Ảnh 2.

Cá độ trên internet có thể thực hiện dễ dàng càng mang lại tác hại lớn với người chơi. Ảnh: SPORT

Khi được hỏi có biết tác hại của cá độ bóng đá hay không và nguy cơ vi phạm pháp luật, một tay chơi cá độ khác là Nguyễn Đình V. chia sẻ: "Tôi và bất cứ ai cá độ chắc chắn là biết. Nhưng trước mỗi trận đấu lớn hay giải đấu lớn, cơn nghiện cá độ lại nổi lên. Tôi đã nhiều lần tìm cách "cai nghiện" cá độ nhưng quả thực rất khó".

Biết nguy hiểm mà vẫn chơi, các tay chơi cá độ đương nhiên đã phải trả giá đắt. Dương Văn Th., dù đi làm bảo vệ ở một cơ quan nhà nước với mức lương thấp, nhưng mỗi cuối tuần đều sẵn sàng "đốt" hàng chục triệu đến hàng trăm triệu vào cá độ bóng đá. Vì "thú vui" này của Th., gia đình anh ta đã phải bán nhà, vợ con cũng phải về nhà ngoại ở, còn anh ta thì đi thuê nhà trọ và sống cuộc sống không có định hướng vào tương lai do số nợ vẫn quá lớn.

Không ít người chơi cá độ khi nợ nhiều đã buộc phải vay tiền từ tín dụng đen. Vậy là tiền nợ chỉ trả được tạm thời, nhưng sau đó tiền lãi của tín dụng đen trở thành con số khổng lồ theo cấp số nhân khiến những người chơi cá độ càng ngập sâu vào nợ nần. Nhiều người làm ở cơ quan nhà nước đã phải bỏ việc khi bị "dân giang hồ" đe dọa đến "nói chuyện phải quấy" tại cơ quan. Những người làm việc tự do thì bị "xã hội đen" tìm đến nhà quấy nhiễu, gây áp lực cực lớn với bất cứ ai trong gia đình người đang nợ tiền.

Nhiều đường dây cá độ bóng đá lớn bị triệt phá

Tiếp tay cho các tay chơi cá độ tất nhiên là những chủ bóng. Vì những món lợi quá lớn, rất nhiều người bất chấp để tổ chức đường dây cá độ với quy mô lớn và đã bị trừng phạt. Mới nhất, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trong 2 ngày 15 và 16/11, đã có 2 đường dây cá độ bóng đá lớn bị triệt phá tại Đà Nẵng và Bắc Ninh với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 4/11, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đánh sập đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh có quy mô hơn 6.000 tỷ đồng.

Cá độ bóng đá mùa World Cup 2022: Hiểm họa khôn lường - Ảnh 3.

Đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá tại Bắc Ninh vừa bị triệt phá. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

World Cup 2022 sắp khai mạc tại Qatar chắc chắn không phải ngoại lệ và Bộ Công an đã xây dựng ác phương án để ngăn chặn tệ nạn cá độ bóng đá. Phát biểu trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an chia sẻ với báo chí: "Cùng với việc chỉ đạo triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT nói chung, Bộ Công an đã sớm chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá trong dịp World Cup 2022. Chủ công thực hiện công tác này là lực lượng Cảnh sát hình sự và lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo đó, lực lượng công an sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không tham gia các hoạt động cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá qua mạng; phối hợp ngăn chặn các trang Website cờ bạc, cá độ; thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ chủ động phát hiện, đấu tranh triệt xóa các tụ điểm, đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá và phối hợp với các ngành tư pháp đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật để răn đe tội phạm".