"Trăm năm cũng từ đây" là những hồi ức của tác giả Nguyễn Huy Hoàng từ khi ông bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp đại học, cũng như quãng thời gian mười lăm năm ông giảng dạy tại khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Văn học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Xuyên suốt tập hồi ký của tác giả Nguyễn Huy Hoàng là sự phảng phất nỗi niềm hoài cổ, "ôn cố tri tân". Mỗi trang viết của ông chứa đựng chân dung những người thầy đáng kính, những người đồng môn thân tình, những hình ảnh thân thương của một thời bom đạn, khu giảng đường mái lá, những bữa cơm đạm bạc, những gương mặt nồng hậu được tác giả trân trọng tái hiện và gửi đến các thầy, cô và các sinh viên Văn khoa nhiều thế hệ với tình cảm của một sinh viên cũ, đã có một thời trong veo ấy.
Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: "Tôi là người may mắn khi được sống trong sự giao thoa của hai thế kỷ, được học các bậc thầy đáng kính nhất trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX; có được những người bạn đồng môn với bao phẩm chất tuyệt vời, ngày đang càng hiếm đi trước muôn vàn cơn ba đào thế sự. Những sinh viên năm xưa tôi được đứng lớp, giờ đây nhiều người đã trở thành những nhà chuyên môn có tên tuổi, và không ít người có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực xã hội.
Có thể nói rằng, tôi không quên một ai trong số gần trăm thầy giáo và cô giáo trong khoa Văn nhưng tôi chỉ viết về những thầy cô tôi có nhiều dịp tiếp xúc, nhiều dịp gần gũi và hiểu biết nhất".
Trong cuốn "Trăm năm cũng từ đây", nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ghi lại ký ức như những lát cắt, mà theo cách nói của ông "từ một giọt nước, tôi nhìn ra biển cả": "Tôi xa đất nước rất lâu, không có điều kiện gặp gỡ các thầy cô thường xuyên. Cũng vì vậy, trong cuốn sách này, tôi không chọn cách viết bao quát toàn bộ. Tôi muốn gợi lại để các thế hệ tiếp sau sẽ lại viết về các thầy cô, với những điều mới mẻ và thú vị khác".
Cuốn hồi ký còn nhắc nhớ về ký túc xá Mễ Trì, về những ngày tháng sinh viên của nhiều thế hệ: "Khi ấy, chúng ta như trang giấy trắng, tuy thiếu thốn khó khăn nhưng sống quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời" - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng khẳng định.
Có mặt tại buổi ra mắt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Viết chân dung và hồi ký luôn là điều rất khó, bởi tác giả phải nhớ được chi tiết, chọn lọc những chi tiết đó và đưa ra được thông điệp của mình. Có thể nói, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã lao động miệt mài với con chữ để tạo ra cuốn sách này. Anh vượt qua những nghịch cảnh, những nỗi đau của bản thân, vượt qua cả những khó khăn trong giai đoạn thế giới trải qua dịch bệnh để viết nên một tập hồi ký dày dặn, xúc động".
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1953 tại Hà Tĩnh. Ông hiện sống và làm việc tại LB Nga. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị, đóng góp cho nền văn học nước nhà như: "Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX" (Giáo trình - Đại học Tổng hợp, 1988); "Thi pháp truyện ngắn N. Gogol" (Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia, 2001); "Mưu sinh" (Nhà Xuất bản Hà Nội, 2006); "Ngoảnh lại" (Nhà Xuất bản Văn học, 1995); "Phía bên kia trời" (Nhà Xuất bản Văn học, 1999); "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (dịch sang tiếng Nga - 2012)...