Dân Việt

Lừa gần 1 tỷ USD, nữ sáng lập startup đình đám một thời lĩnh án 11 năm tù

Bình Minh 21/11/2022 22:29 GMT+7
Holmes từng được coi là một biểu tượng mới của lĩnh vực công nghệ khi đưa ra lời hứa về chẩn đoán cùng lúc nhiều loại bệnh thông qua xét nghiệm trên một vài giọt máu...

Elizabeth Holmes vừa bị toà án Mỹ tuyên án hơn 11 năm tù giam vào hôm thứ Sáu vừa rồi vì lừa dối nhà đầu tư trong quá trình điều hành công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ thử máu Theranos hiện đã phá sản.

Tin từ trang CNN Business cho biết thẩm phán Edward Davila dành cho Holmes bản án 11 năm 3 tháng tù giam và 3 năm bị giám sát sau khi mãn hạn tù. Bản án còn bao gồm khoản tiền phạt 400 USD, tương đương 100 USD cho mỗi tội danh gian lận của Holmes - người được cho là sẽ tiến hành các thủ tục kháng án.

Lừa gần 1 tỷ USD, nữ sáng lập startup đình đám một thời lĩnh án 11 năm tù - Ảnh 1.

Hồi tháng 1 năm nay, Holmes bị buộc 4 tội danh về lừa dối nhà đầu tư và đối mặt với khả năng lĩnh án 20 năm tù giam cùng hơn 250.000 USD tiền phạt cho mỗi tội danh. Như vậy, bản án mà cô này vừa nhận được là “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu.

Trong lời phát biểu cuối cùng trước khi toà tuyên án ở San Jose, California, Holmes nói trong nước mắt: “Tôi yêu Theranos. Đó là công trình của đời tôi. Những người muốn tham gia vào Theranos đều là những người tôi yêu quý và kính trọng nhất. Tôi suy sụp bởi những thiếu sót của mình”.

Holmes cũng gửi lời xin lỗi tới nhân viên, nhà đầu tư và bệnh nhân của Theranos: “Tôi vô cùng xin lỗi. Tôi đã dành tất cả những gì mình có để xây dựng công ty và để cứu công ty. Trong quá trình thụ án, tôi sẽ ăn năn về tất cả những sai lầm của mình”.

“Toà án đã đưa ra một bản án mạnh mẽ, khẳng định rằng gian lận sẽ không được phép phát triển như sáng tạo ở Thung lũng Silicon. Khi được cho cơ hội để lên tiếng, Elizabeth Holmes nói là cô ta chịu trách nhiệm về Theranos nhưng không nhận trách nhiệm về gian lận”, ông George Demos, một cựu chưởng lý của Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), nhận định.

Trước khi toà tuyên án, luật sư Kevin Downey - một người bào chữa cho Holmes - nhấn mạnh rằng không giống như các biện cáo khác trong các vụ doanh nghiệp gian lận, nhà sáng lập Theranos không thể hiện sự tham lam bằng những hành động như vung tiền sắm du thuyền hay chuyên cơ, mà thay vào đó, tiền “được dùng để phát triển công nghệ y khoa”.

Holmes từng được coi là một biểu tượng mới của lĩnh vực công nghệ khi đưa ra lời hứa về chẩn đoán cùng lúc nhiều loại bệnh thông qua xét nghiệm trên một vài giọt máu. Giờ đây, Holmes lại là một trong số hiếm hoi các nhà sáng lập công nghệ bị kết án tù vì những sai lầm của công ty.

Holmes, 38 tuổi, sáng lập Theranos vào năm 2003 ở tuổi 19, không lâu sau đó đã bỏ  ngang Đại học Stanford để dành toàn bộ thời gian cho công ty. Khoảng 1 thập kỷ sau, Holmes bắt đầu thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi tuyên bố rằng Theranos đã phát minh ra công nghệ thử máu siêu chính xác.

Theranos dã huy động được 945 triệu USD từ một danh sách những nhà đầu tư “có máu mặt”, gồm tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle Larry Ellison, gia tộc Walton của tập đoàn bán lẻ Walmart, và gia đình tỷ phú của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Betsy DeVos.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Theranos được định giá ở mức 9 tỷ USD, đưa Holmes trở thành một tỷ phú trên giấy. Cô xuất hiện trên khắp các tờ báo và hãng tin, thường xuyên trong trang phục áo cổ lọ màu đen khiến nhiều người so sánh với huyền thoại công nghệ quá cố Steve Jobs của Apple.

Mọi chuyện bắt đầu vỡ lở vào năm 2015 sau khi một bài báo điều tra trên tờ Wall Street Journal phát hiệu thấy Theranos thực ra mới chỉ thực hiện được hơn một chục trong số hàng trăm xét nghiệm mà công ty mời chào khách hàng bằng thiết bị thử máu mà Theranos phát minh ra. Ngoài ra, tính chính xác của kết quả xét nghiệm cũng bị nghi ngờ. Thậm chí, Theranos bị cho là dựa vào các thiết bị được sản xuất bởi các công ty công nghệ thử máu truyền thống.

Năm 2016, Theranos đã nợ khách hàng 2 năm kết quả thử máu. Năm 2018, Holmes và Theranos chấp nhận một thoả thuận với SEC về những cáo buộc gian lận nhằm vào họ, nhưng không thừa nhận bất kỳ cáo buộc nào. Công ty sau đó giải thể.

Trong quá trình xét xử, Holmes nói rằng cô bị bạn trai cũ kiêm Giám đốc hoạt động (COO) của Theranos là Ramesh “Sunny” Balwani thao túng khi điều hành công ty. Holmes nói Balwani tìm cách kiểm soát gần như mọi chuyện trong cuộc sống của cô, từ việc ăn uống, nói năng tới hình ảnh, và cách ly cô khỏi những người khác. Phía Balwani bác bỏ những cáo buộc này.

Tháng 7 năm nay, Balwani bị buộc 12 tội danh trong một vụ xét xử khác và có khả năng sẽ lĩnh mức án tương tự như Holmes. Dự kiến, bản ánh dành cho Balwani sẽ được công bố vào ngày 7/12.