"Hiện tượng Võ Văn Kiệt"
Ông Phước kể lại: "Trong mùa xuân đại thắng năm 1975, trước khi Chiến dịch giải phóng Sài Gòn khai hỏa, Bộ Chính trị giao cho anh Sáu Dân nhiệm vụ phụ trách tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định sau khi được giải phóng. Vì lẽ ấy, ngày 21/1/1976, trong lễ bàn giao giữa Ủy ban quân quản và UBND cách mạng TP.HCM, anh Sáu Dân đã đảm nhận trọng trách Chủ tịch UBND Cách mạng TP.HCM. Đây chính là thời điểm mở đầu cho sự tỏa sáng "hiện tượng Võ Văn Kiệt" tại TP.HCM".
Trong những tháng năm này, Thành phố phải trực tiếp đương đầu với những khó khăn nan giải về kinh tế xã hội như nạn đói, thất nghiệp, ma túy, mại dâm, du đãng... 2/3 đất đai vùng nông thôn ngoại thành bị hoang hóa, phần bị bom đạn, chất độc hóa học, phần bị gài bom mìn. Lần đầu tiên nhân dân thành phố ăn độn, tỷ lệ độn tăng dần, tháng cao nhất đến 90%. Tiền lương thực tế của công nhân viên chức mỗi năm mỗi sụt từ 17% đến 27%, năm 1979 chỉ bằng 1/3 năm 1976. Chỉ số giá cả, thị trường xã hội không ngừng gia tăng.
Công việc ra quân đầu tiên của ông Võ Văn Kiệt trên mặt trận kinh tế là dốc sức biến "vành đai trắng" ở nông thôn ngoại thành thành "vành đai xanh". Ngay trong đợt đầu tiên đã vận động được 400.000 bà con nông dân phân tán đi khắp nơi trong thời kỳ chiến tranh trở về xóm làng cũ xây dựng quê hương, đưa diện tích trồng trọt từ 45.000 ha lên 115.000 ha. Chỉ một năm sau, màu xanh đã phủ trên "vành đai trắng" bị bom đạn cày xới.
Một trong những công lao và thành tích rất có ý nghĩa của ông trên lĩnh vực nông lâm nghiệp là đã chỉ đạo nỗ lực phục hồi hơn 20.000 ha diện tích rừng ngập mặn ven biển (rừng sác Cần Giờ) để tạo thành rừng phòng hộ môi trường TP.HCM, trước đây đã bị chất độc hóa học của Mỹ tàn phá rụi.
Sau nhiều thập niên được phục hồi, giờ đây rừng ngập mặn Cần Giờ đã biến thành trung tâm "du lịch xanh" rất ngoạn mục được tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn thiên nhiên hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất.
Ông Phước nhớ lại, trong giai đoạn 1976 - 1979 là thời gian TP.HCM phải đối mặt quyết liệt với những vấn đề cốt lõi nhất của yêu cầu quản lý một thành phố công nghiệp. Cũng trong thời gian này thiên tai, dịch họa dồn dập.
Năm 1977, sau Đại hội Đảng lần thứ IV, ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.HCM. Bằng bản lĩnh năng động và khả năng sáng tạo của mình, trên cơ sở lăn lộn trong thực tiễn của đời sống nhân dân, ông cùng Đảng bộ TP.HCM đã mày mò tìm kiếm và phát hiện ra mô hình quản lý kinh tế thích hợp. Có người gọi đó là thời kỳ "khủng hoảng trong sự trưởng thành của thành phố" và "tự cởi trói" để "tháo gỡ" tình trạng kinh tế sa sút, trên cơ sở dành quyền chủ động đề ra kế hoạch bổ sung cho cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh, không ỷ lại trông chờ cấp trên.
Đầu năm 1979, ở thành phố đã xuất hiện một số mô hình "tháo gỡ" trong những cơ sở sản xuất công nghiệp như Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2/9, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp dược thú y, Xí nghiệp dệt Thành Công, Phong Phú, Phước Long, Thắng Lợi, Dệt đay 13, Xí nghiệp cơ khí Caric, Silico, Vinappro, Sinco...
Kết quả của việc "tháo gỡ" và "bung ra" đã nhanh chóng đẩy giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố gia tăng. Năm 1981 tăng 26% so với năm 1980. Từ một thành phố tiêu thụ là chủ yếu, TP.HCM đã từng bước trở thành một thành phố sản xuất.
Thành phố còn tiến xa hơn nữa trong việc quyết định thí điểm khu vực quốc doanh sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đó là thí điểm Xí nghiệp dệt Thành Công với nguyên tắc "tự trang trải", thí điểm Công ty Lương thực với nguyên tắc "bán theo giá đảm bảo kinh doanh", vận dụng quy luật giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều với các tỉnh, mua bán, thanh toán bằng tiền mặt, từng bước xóa bỏ chế độ mua bán lương thực theo sổ.
Những đóng góp về quá trình tìm tòi sáng tạo thí điểm cơ chế mới của TP.HCM đã góp phần vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta qua nhiều giai đoạn thực nghiệm và tạo ra những bước đột phá.
"Năm tháng đi qua, giờ đây hồi nhớ lại hơn 40 năm về trước, trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, khi "thị trường" còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói buộc trong cơ chế quản lý theo kiểu hành chính, quan liêu, bao cấp, là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM, anh Sáu Dân đã đến nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp, kiên trì tiến hành những cuộc thử nghiệm cục bộ chưa có tiền lệ", ông Phước kể và nhắc lại câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Các anh cứ mạnh dạn làm đi, nếu bị ở tù, tôi sẽ mang cơm đến để thăm nuôi".
Theo ông Phước, chính khí phách như thế của Thủ tướng đã khơi dậy cả phong trào đổi mới để tháo gỡ khó khăn, làm cách mạng xanh vì nước vì dân. Từ đó, nhân dân Nam Bộ gọi ông là hiện tượng Võ Văn Kiệt, "là ánh sao băng sáng rực trong công cuộc cách mạng đổi mới xây dựng đất nước".