Mỗi lần bắt được tôi mải chạy chơi đặt lên võng kẽo kẹt là bà nội hát: "Ầu cơ, ví dầu cầu ván đóng đinh..."
Nhắm mắt dối, tôi cười khúc khích. Bà nội nhiếc yêu:"Mồ tổ cha bây", vuốt vuốt lưng tôi rồi lại ơ ầu: "Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi..."
Những hình ảnh dung dị đời thường không biết từ hồi nào đã đi vào câu hát bên nôi. Cây cầu lắt lẻo đung đưa trong bài ca của nội thì đâu có xa lạ gì. Đó chính là phương tiện nối liền đôi bờ, hiện diện như một phần không thể thiếu của thôn xóm miền Tây xưa vẫn sinh sống men theo triền sông, hệt cá mến nước.
Quê tôi kênh rạch chằng chịt. Nhà cửa đâu mặt cách nhau bởi con sông là nguồn cấp thủy lợi cho miếng ruộng sau hè. Nội kể gốc gác gia đình ông nội là người Triều Châu, năm xưa theo dân Thuận Quảng Nam tiến cùng nhau mở đất. Nhớ quê, người ta đặt tên nơi ăn chốn ở là Phú Lộc (Sóc Trăng) đâu đó giống như một địa danh của đất Thừa Thiên. Xóm nhỏ, chủ yếu là bà con quyến thuộc gốc Hoa vốn đã quen với nghiệp buôn bán giao thương, người ta chọn sống gần sông để tiện bề đi lại ở cái thời phương tiện di chuyển con thô sơ chủ yếu là xuồng ba lá.
Ấp nghèo, xuồng ghe chỉ đôi ba chiếc. Để đôi bờ sang chơi được nhà nhau, rạch nhỏ thì người ta bắt những cây cầu ván, rạch rộng hơn một chút thì các anh các chú đốn tre, dừa, tràm đồng... bắt những cầu cây có tay vịn giữa không trung. Cầu nhỏ lại lúc lắc đong đưa, nội biểu chỉ có con khỉ nhanh nhẹn hay leo trèo đi mới giỏi. Chắc vậy mà người ta đặt tên là cầu khỉ, lâu dần trở thành biểu tượng cảnh quan độc đáo của xứ sông nước Cửu Long.
Con kênh trước nhà thuở xưa nhỏ xíu, cách đoạn người ta lại bắt một cây cầu khỉ để qua sông. Nhớ những buổi trưa hè, tôi cùng đám con nít hàng xóm vẫn chạy thoăn thoắt ra giữa cầu rồi phóng ùm xuống tắm. Dòng sông hồi ấy biêng biếc xanh. Hai bên bờ là dừa nước, bình bát, bần mọc chen chúc hợp thành một bức tranh thiên nhiên tuy đơn sơ mà thanh bình, êm ả.
Nối với nhau bởi sông rạch nên tiệm tạp hóa cũng hình thành di động. Mỗi lần má biểu: "thằng H cầm tiền ra đón ghe hàng mua cho má keo chao, tiêu, tỏi, nước mắm, bột ngọt..." bất kể là tôi chạy tót ra giữa cầu khỉ ngồi thòng chân ngóng tiếng kèn "tin tin". Chỉ cần mũi ghe trờ tới chân cầu là tôi nhảy xuống, lanh lẹ mua hàng theo lời má dặn. Dư vài trăm đồng bạc có khi đủ mua một phông cốm gạo, bịch bánh quay chèo hay vài cục kẹo me, thứ quà vặt tuổi thơ tưởng là ngon nhất trần đời không gì có thể thay thế được.
Cây cầu khỉ coi "xương xẩu xấu xí" nhưng lại thường là nơi trai tráng thanh niên dẫn người thương ra hò hẹn. Những chàng trai cô gái ngồi vắt vẻo trên cầu tâm tình, thuận chân đá nước trêu ghẹo mấy đám lục bình trôi lơ đễnh trong những đêm trăng sáng cũng vui. Lỡ giữa chừng bị người lớn bắt gặp, không muốn "bị đòn tét đít" thì anh con trai nhảy ùm luôn xuống sông, núp vào kẹt lá.
Cầu khỉ xóm tôi thường làm nhịp lẻ, nhưng nhịp ở giữa luôn là nhịp lớn gần như không buộc lạt mà chỉ đặt độc một cây dài lên bốn cọc bắt chéo nằm ở hai đầu. Xứ trồng lúa, ngày rồi mùa ghe lớn vẫn men theo sông rạch vào tận xóm ấp thu mua. Mỗi lần có ghe lúa hoặc ghe lớn chạy qua, ai thuận tay thì chạy ra cầu khỉ để... dỡ cầu ghe qua mới lọt. Chỉ việc nhỏ xíu vậy chớ tiếng cười giọng nói có khi rôm rả cả khúc sông.
Cây cầu khỉ cũng là cầu nối của biết bao thân tình miệt châu thổ sông Cửu Long. Mặc dù ngăn sông nhưng không hề cách trở, giữa người với người, tình làng nghĩa xóm vẫn đong đầy, thắm đượm. Nhớ hồi ấy nhà bà dì tôi bên kia sông. Bà nội chỉ còn duy nhất người em gái ruột thịt này sau mấy chục năm ra đi từ đất sen hồng xuống xứ sở chùa vàng kiếm nguồn sinh kế rồi ở lại.
Nhà bà dì có nhiều cau và một vườn trầu tươi tốt. Bà dì mù lòa nhưng cứ cách ngày là ngóng đôi mắt trắng dã qua bờ sông bên này gọi: "Thằng H đâu qua bà dì lấy mấy ốp trầu về cho bà nội nè con". Nghe tiếng gọi, tôi tạm gác trò vui phủi tay đứng lên chạy tót ra bến bước chân chéo qua cầu khỉ lấy trầu về cho nội.
Đến lượt ở nhà được món gì ngon là bà nội réo: "Thằng H đem con cá lóc nhất này qua cho thím Bảy nấu cháo cho bà dì con", là tôi lại nhanh nhảu chạy đi. Dần dà tôi thấy vai trò của mình quan trọng làm sao khi kết nối tình cảm chị em của hai người đàn bà lụm cụm, tuổi đã về xế bóng. Mà chính cây cầu khỉ âm thầm là người bạn thủy chung, đã chứng kiến những san sẻ và tương trợ nhau nơi miền quê xa hút còn thiếu hụt trăm bề.
Khoảng thời gian êm đềm chỉ ngắn bằng thời hạn của tuổi thơ ở xứ sông rạch nghĩa tình "con người là hoa, là đất" ấy đã dung dưỡng tâm hồn tôi. Nó cho tôi sống những ngày ngây thơ, chân thật, dễ dàng mà can đảm khôn lớn.
Như dòng chảy của đời sống, xóm quê bây giờ những cây cầu bê tông vững chắc đã dần thay thế những chiếc cầu khỉ bập bênh lúc lắc một thời. Nhưng điều đó cũng đâu thay đổi được ký ức của biết bao thế hệ người bước qua cầu khỉ để vào đời rồi đi đến hiện đại, tiện nghi.
Cây cầu khỉ có nói gì đâu, khi đã tròn phận sự đã tự trầm mình. Gỗ mục, đòn cầu có khi âm thầm trôi theo dòng nước. Mà nội bây giờ cũng đã xa ngút ngàn xa, đâu còn réo gọi tôi đi qua cầu khỉ đưa đồ, đâu còn hát ru ầu ơ ví dầu về một cây cầu gập ghềnh, lắt lẻo.
Chỉ có nhiêu đó mà sao cay mắt quá cầu khỉ ơi!
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.