Hiểm họa chết người trên con đê bê tông vỡ nát ở Hà Nội
Tuyến đê bao sông Đáy từ Quốc lộ 32 đến Quốc lộ 6 chạy qua địa bàn huyện Hoài Đức và một phần thuộc phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Trong đó, đoạn đi qua địa phận huyện Hoài Đức đã được nâng cấp, trải nhựa đường, mở rộng bề ngang mặt đê theo tiêu chuẩn cấp IV.
Phần còn lại đi qua địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) chưa hề được sửa chữa, nâng cấp. Nghiêm trọng hơn, đoạn đê dài hơn một km này đang bị xuống cấp, bê tông vỡ nát. Nhiều mảng bê tông lớn nằm lổm ngổm trên mặt đê không khác gì cái bẫy chết người dành cho người đi đường.
Bà Nguyễn thị T (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết: "Đoạn đê này cách đây một thời gian cũng được tu sửa lại. Tuy nhiên, người ta chỉ trải một lớp nhựa đường lên bề mặt bê tông đã bị vỡ nát từ trước. Đáng lẽ họ phải bỏ lớp bê tông cũ đi, làm lại nền sau đó mới trải nhựa. Sau một thời gian ngắn tôi lại thấy mặt đê bị nứt toác, phần nhựa đường được thảm đã mất dần và để lộ ra những mảng bê tông lớn".
Bà T còn cho biết thêm, số lượng phương tiện giao thông qua lại trên tuyến đê này ngày một tăng lên, ô tô, xe máy, xe trọng tải lớn qua lại ầm ầm, đông nhất là vào giờ cao điểm. Chiều rộng đoạn đê này hẹp, hai ô tô tránh nhau còn phải lựa, rất khổ cho những người đi xe máy, tay lái yếu ngã đập người xuống bê tông lúc nào không biết.
Trong khi đó, một người dân khác thì cho biết, cả tuyến đê bao sông Đáy dài hàng chục km từ địa phận huyện Hoài Đức đều đã được làm mới, hạ nền, mở rộng mặt đường, trải nhựa rất đẹp. Còn mỗi đoạn đê này dài khoảng hơn một km thì không hề được đụng chạm, tu sửa, hay làm mới.
Thi thoảng lại xảy ra những vụ va chạm xe máy, phần lớn là do người điều khiển xe máy tự ngã. Người đi quen thì biết để mà giảm tốc độ, đi chậm lại, còn người lạ không quen đường rất dễ bị ngã.
"Nhà tôi sống sát mặt đê nên thường xuyên phải hứng chịu những hệ lụy từ đoạn đê xuống cấp này, ví dụ như tiếng ồn. Những âm thanh chát chúa thường xuyên phát ra mỗi lần có xe tải trọng lớn đi qua phần đê có bê tông bị vỡ. Người già, trẻ nhỏ nhiều đêm giật mình thức giấc vì tiếng ồn", người dân này bức xúc.
Chị Trịnh Thị Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) một ngày hai lần đi về qua đoạn đê này bằng xe máy nhiều năm nay cho biết, đoạn đê đã quá xuống cấp và rất nguy hiểm đối với những người đi xe máy.
"Hai vợ chồng tôi đi chợ bán thịt lợn, mỗi lần đi qua đoạn đê này luôn phải giảm tốc độ. Ngoài hai vợ chồng ra thì trên xe máy còn đèo một con lợn đã mổ cũng khá cồng kềnh, do quen đường nên may mắn chưa gặp phải vấn đề đáng tiếc", chị Hương bộc bạch.
Anh Lê Đình Quốc, một lái xe tải thường xuyên đi từ đầu đê Yên Nghĩa đến Đại lộ Thăng Long cho biết, cả đoạn đê dài đi qua nhiều xã thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã được cải tạo, nâng cấp mặt đê, chỉ có mỗi đoạn này chưa thấy sửa chữa. Đoạn đê này rất hẹp, hai xe phải căn ke mới đi qua được, xe mà chở nặng thì rất khổ.
Tuyến đê tả sông Đáy nối QL32 và QL6 có chiều dài khoảng 22km, chạy qua 12 xã, thị trấn và phường, cụ thể là thị trấn Phùng, xã Song Phượng của huyện Đan Phượng, xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, Đông La của huyện Hoài Đức; và cuối cùng là phường Yên Nghĩa của quận Hà Đông.
Dự án cải tạo tuyến đê tả sông Đáy trên địa bàn huyện Hoài Đức có tổng chiều dài 17km, bắt đầu từ nút giao đê tả Đáy với đường N6 ở huyện Đan Phượng đến vị trí tiếp giáp khớp nối với dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành.
Tuyến đê này đã được nâng cấp và mở rộng bề mặt cắt ngang đê từ 4,5m lên 9m, thiết kế đường đê cấp I, đường giao thông mặt đê cấp IV. Như vậy, cả tuyến đê còn duy nhất một phần đi qua địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) bắt đầu từ trạm bơm Yên Nghĩa kéo dài đến Quốc lộ 6 là chưa được sửa chữa, nâng cấp.