Ngày 24/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục đưa đại án xăng lậu ra xét xử với phần tranh luận hành vi, mức độ phạm tội của các bị cáo gồm, ông trùm Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long); Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương); Lê Thanh Tú (56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, chồng Vân).
Trước đó tại phần đề nghị mức án, VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) 7-8 năm tù; Lê Thanh Tú (56 tuổi, chồng Vân) từ 3-4 năm tù; Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) từ 13-14 năm tù.
Tại phiên tranh luận, luật sư bào chữa nói rằng mức án của VKSND tỉnh Đồng Nai đối với bị cáo Vân và Tú là quá nặng.
Luật sư cho rằng bị cáo Vân do thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận thức được hành vi phạm pháp khi mua bán xăng. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra, do khó nhập nguồn xăng nên bị cáo Vân mua xăng của bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, TP.HCM) để phục vụ khách hàng. Ngoài ra bị cáo Vân bị bệnh ung thư, đã nộp bệnh án cho HĐXX. Do đó luật sư đề nghị cho bị cáo Vân được hưởng án phạt tiền.
Luật sư nói rằng hành vi của Tú là mờ nhạt, không phải là giúp sức tích cực cho bị cáo Vân nên đề nghị HĐXX cân nhắc cho bị cáo này được hưởng án treo.
Đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, luật sư bào chữa và cả bị cáo Tứ đều đồng ý với tội danh đã bị truy tố nhưng đề nghị giảm án; được tính giá xăng thấp hơn so với giá cáo trạng đã truy tố vì trên thực tế giá xăng trong giai đoạn các bị cáo buôn lậu thấp hơn so với giá xăng mà VKSND tỉnh Đồng Nai tính toán.
Luật sư cũng nhận định hành vi phạm pháp của bị cáo Tứ là không phạm tội có tổ chức.
Tứ lại xin cho người tình là bị cáo Trần Ngọc Thanh (47 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được giảm án nhẹ nhất bởi lẽ bị cáo Thanh chỉ vì sống chung như vợ chồng với Tứ mà giúp cho Tứ thanh toán tiền buôn lậu xăng chứ không được hưởng lợi. Quá trình sống chung, Tứ mượn tiền của Thanh nên chỉ trả lại tiền mượn chứ không phải là tiền Tứ trả công cho Thanh khi giúp sức trong quá trình buôn lậu.
Nguyễn Hữu Tứ nói: “Bị cáo đã biết hành vi của mình là sai và rất hối hận. Bị cáo cũng tự nguyện làm đơn xin cơ quan điều tra lấy các sổ tiết kiệm của mình có trong ngân hàng để nộp khắc phục hậu quả, xin cho bị cáo Thanh nhận mức án nhẹ nhất để về với gia đình”.
Tranh luận với lời bào chữa của luật sư, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã bảo lưu quan điểm và cho rằng trong luận tội đã nhận định hành vi, xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Do đó, không có cơ sở xem xét mức án tù treo hoặc án phạt tiền đối với bị cáo Vân và Tú.
Về hành vi phạm tội của bị cáo Tứ, VKSND tỉnh nhận định Tứ đã phạm tội có tổ chức như: Các bị cáo đã bàn bạc, thỏa thuận mua bán xăng lậu, thuê kho Nam Phong (tỉnh Long An), vận chuyển, tiêu thụ xăng nhập lậu, giá bán ra, chiết khấu, lợi nhuận…
Về các đề nghị của bị cáo Tứ, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc tính giá xăng để xác định số tiền buôn lậu và thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án là đã xem xét trên nguyên tắc có lợi cho bị cáo với mức giá xăng thấp nhất trong thời điểm các bị cáo buôn lậu. Do đó cơ quan công tố bảo lưu quan điểm luận tội đối với các bị cáo Tứ và Thanh.
Đại diện VKS cũng nhấn mạnh, thông qua lời khai đã thể hiện rõ số tiền 2 tỷ đồng/tháng (tổng 12 tỷ đồng) mà Tứ chuyển cho Thanh là tiền trả công Thanh giúp sức cho Tứ thanh toán tiền mua bán xăng lậu. Do đó, số tiền này không phải là vay mượn mà là trả công nên cần tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.