Các cơ quan chức năng và phụ huynh cần phối hợp để xây dựng nên một “hệ thống miễn dịch số”, “vaccine số” cho trẻ em bằng cách trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng về an toàn trên không gian mạng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Hiệp hội An toàn thông tin và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội.
Nội dung người lớn là vấn đề an toàn mạng nghiêm trọng
Theo thống kê về sử dụng internet ở nhóm tuổi 12-17 tại Việt Nam cho thấy có tới 89% trẻ em trong lứa tuổi này sử dụng internet, trong đó có 5% sử dụng máy tính bảng, 21% sử dụng máy tính và 98% sử dụng điện thoại di động. Trong số đó, có 2% trẻ em đã từng bị yêu cầu trò chuyện tình dục, 1% trẻ em bị dụ dỗ gửi video, ảnh nhạy cảm; 1% trẻ em bị chia sẻ ảnh, video nhạy cảm mà không có sự đồng ý…
Bà Đinh Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tỷ lệ trẻ em dùng internet cao kéo theo đó trẻ em có nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên mạng. Trong khi đó, Báo cáo “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam: Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng” chỉ ra rằng trẻ em từng hoặc có thể bị bạo lực và xâm hại tình dục thường không kể với ai về chuyện đã xảy ra, người được chia sẻ nếu có là bạn bè.
"Hầu như không có trẻ em nào sử dụng cơ chế trình báo chính thức để trao đổi với công an hay qua đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ và phần lớn không kể lại với người chăm sóc,” bà Đinh Như Hoa cho hay.
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập và CEO CyberPurify cũng đưa ra kết quả khảo sát quốc tế cho thấy 95% trẻ từ 3-18 tuổi truy cập internet tại nhà và cũng có tới 79% trường hợp tiếp xúc không mong muốn với nội dung người lớn xảy ra tại nhà. Nội dung người lớn là vấn đề an toàn mạng nghiêm trọng thứ 2 ở nhà đối với trẻ em hiện nay.
Theo bà Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, nội dung người lớn chỉ có trên các trang web người lớn là nhận thức sai lầm bởi trên thực tế, nội dung người lớn xuất hiện ở khắp mọi nơi. 70% trẻ em nhìn thấy hình ảnh khiêu dâm là không chủ ý. Trẻ có thể không chủ ý tìm xem nội dung người lớn thông qua quảng cáo, cửa sổ bật lên trên các trang web không liên quan đến khiêu dâm, email rác, các cụm từ tìm kiếm (giới tính), các liên kết chuyển hướng, Google Drive…
"Vaccine số" cho trẻ em
Cũng chỉ ra khoảng trống trong bảo vệ trẻ em trên mạng, ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của YouTube cho biết theo kết quả khảo sát của Google, độ tuổi trung bình trẻ sở hữu điện thoại là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình khi trẻ được trao đổi về an toàn trên mạng là 13, điều này cho thấy trẻ thiếu 4 năm trao đổi về sự an toàn trên mạng.
“Thách thức hàng đầu trong việc giám sát sự an toàn trên mạng là việc biết và tìm các công cụ giúp theo dõi, kiểm soát trẻ lên mạng internet, tìm các ví dụ dễ hiểu và phù hợp để trẻ tìm hiểu về an trên mạng,” ông Ajay Vidyasagar nói.
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập và CEO CyberPurify cho rằng trò chuyện và công nghệ là mấu chốt trong việc bảo vệ con hiệu quả trên môi trường mạng. Suy nghĩ bảo vệ con là biết con làm gì trên mạng càng chi tiết càng tốt từ đó cấm đoán, kiểm soát sẽ khiến con càng hành động lén lút, ngày càng xa lánh cha mẹ, con càng có rủi ro cao hơn bị tác động tiêu cực bởi nội dung độc hại.
“Cha mẹ nên chủ động hỏi quan điểm của con, đặc biệt đối với các vấn đề nhạy cảm, trao đổi minh bạch với con trước khi sử dụng bất kì công cụ bảo vệ, tôn trọng và lắng nghe các ý kiến trái chiều từ con. Mục tiêu là tạo môi trường chia sẻ cởi mở, thân thiện cho con, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc nói.
Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cần tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với trẻ em, ông Đặng Hoa Nam chỉ ra thực trạng hiện nay trẻ em khi gặp vấn đề trên mạng không biết tâm sự cùng ai, tìm kiếm sự sự trợ giúp trên mạng lại dễ gặp phải rủi ro, thông tin độc hại.
Theo ông Đặng Hoa Nam, các cơ quan chức năng cần phối hợp để xây dựng nên một “hệ thống miễn dịch số”, “vaccine số” bằng cách trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng về an toàn trên không gian mạng.
Ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018.
Ông Khánh cho rằng để biến chính sách trên giấy thành hiện thực sống sẽ phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.