Trước đó, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phản ánh, những hoạt chất độc hại trong thuốc trừ cỏ (có chứa hoạt chất 2,4D, Paraquat hay Glyphosate) đã bị cấm lưu hành, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những đường dây rao bán loại "thuốc độc" này ra thị trường, để lại hiểm họa lâu dài cho môi trường và sức khỏe người dân.
Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến nội dung này.
Cụ thể Cục bảo vệ thực vật cho biết, trong thời gian qua, hệ thống thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập lậu, ngoài danh mục góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân do chưa nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, vẫn có thói quen, nhu cầu sử dụng các loại thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục. Việc này đã gián tiếp tiếp tay cho một số đối tượng lén lút nhập lậu, vận chuyển và buôn bán cung ứng tới người dân để sử dụng.
Để chủ động hơn nữa trong công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm nêu trên, Cục bảo vệ thực vật đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tăng cường phối hợp với công an, cơ quan Quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389 địa phương rà soát việc chống buôn lậu.
Đồng thời, tăng cường triển khai kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 09/10/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử;
Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận thuốc BVTV thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong việc kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở buôn bán thuốc BVTV và người dân không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục.
Song song với đó, ký cam kết đối với các cơ sở buôn bán thuốc BVTV về việc không mua bán các loại thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, khuyến khích để người dân tố cáo các tổ chức, cá nhân nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục.
Triển khai thực hiện Văn bản số 2229/BVTV-TTPC ngày 29/11/2021 của Cục BVTV về việc tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục.
"Các giải pháp nêu trên nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về nhập lậu, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục và nâng cao nhận thức của người dân trong việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả", văn bản của Cục bảo vệ thực vật nêu rõ.
Từ năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành quyết định về việc loại bỏ một số thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, đến tháng 2/2019 việc kinh doanh thuốc trừ cỏ có 2 hoạt chất kể trên bị cấm hoàn toàn. Đến tháng 6/2021 loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate cũng chính thức được loại bỏ khỏi danh mục được phép lưu hành.
Thế nhưng, từ những cánh đồng "chết cháy" của người nông dân, nhóm PV NTNN đã lần tìm ra các đường dây buôn bán hàng cấm có chứa hoạt chất 2,4D, Paraquat hay Glyphosate. Những "thùng thuốc độc" này vẫn được tuồn trót lọt ra thị trường. Theo các chuyên gia, hiểm họa của tình trạng này là "chúng ta phun thuốc độc cho muôn đời sau".