Trước đó, ngày 24/11, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng nhận được thông tin về việc nhiều học sinh tại điểm trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) có biểu hiện lạ.
Ngay khi nhận thông tin, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đoàn công tác đến kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của học sinh tại điểm trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng.
Theo lời kể của các thầy cô giáo tại điểm trường Nà Rại, hiện tượng học sinh ngất, khóc lóc vô cớ, co cứng chân tay... không phải mới xảy ra, mà đã xảy ra từ khoảng tháng 4.
"Đầu tiên xuất hiện chỉ ở 2 học sinh, 3-5 ngày xuất hiện 1 lần, thời gian mỗi cơn là khoảng 3-5 phút, sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Thời điểm xuất hiện thường về buổi sáng, lúc đông người. Càng về sau càng xuất hiện nhiều lần, số cháu mắc và số lần mắc tăng dần" - thầy cô điểm trường Nà Rại cho biết thêm.
Được biết, đến thời điểm hiện tại đã có 18 trẻ có biểu hiện như trên (2 nam, 16 nữ). Có 5 em xuất hiện cơn kích động 4 - 5 lần/ngày, mỗi lần kéo dài khoảng từ 20 - 30 phút; còn lại 11 em khoảng 3-5 ngày mới xuất hiện các biểu hiện này 1 lần.
Điểm chung là khi xuất hiện, các em tự nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người... Sau cơn, các em ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường. Có một số em khi cơn, kích động kéo dài trên 30 phút mới trở lại bình thường.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, các học sinh chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở 1 mình; chủ yếu xuất hiện các cơn bất thường tại trường học, không xuất hiện tại nhà.
Các cơn bất thường có tính chất lây lan, khởi phát bắt đầu từ 1 học sinh sau đó lan truyền sang các em học sinh khác, càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em học sinh phát bệnh.
Ngày 29/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, trường hợp 18 học sinh có biểu hiện lạ ở xã Cốc Pàng là do bị rối loạn phân ly tập thể, do yếu tố tâm lý kéo dài ở trẻ em, tâm lý không được nâng đỡ dẫn đến chứng bệnh trên.
"Ở Cao Bằng, cá nhân thỉnh thoảng cũng có trường hợp bị mắc, còn bị mắc tập thể là rất ít. Tình trạng này thường xảy ra nhiều ở trẻ em, chủ yếu là bé gái. Với những trường hợp phát bệnh chủ yếu điều trị bằng biện pháp tâm lý là chính" - ông Phong thông tin.
Hiện Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị UBND huyện Bảo Lạc chỉ đạo các cơ quan, tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và tự tham gia vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tăng cường tuyên truyền người dân, chống hành vi mê tín dị đoan. Tuyên truyền gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, thực hiện lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: Ca, múa, nhạc, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể…; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý cho các em.