Ngày 5/12, Công an tỉnh Quảng Nam đang tạm giữ Nguyễn Chí Cường (25 tuổi, ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) để điều tra về hành vi giết người.
Trước đó, khoảng 4h sáng cùng ngày, Cường thấy ông Huỳnh Khánh (77 tuổi, người địa phương) đang giúp con gái dọn quán nước tại chợ Tam Dân. Nghi phạm chạy đến lấy con dao trong tủ rồi đâm một nhát vào vùng bả vai khiến ông Khánh gục tại chỗ.
Sau đó, Cường chạy qua quán ăn gần đó, đâm một nhát vào vùng bả vai của ông Thế (65 tuổi, ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước).
Ít phút sau, Cường lấy xe máy của người dân chạy trốn. Ông Khánh tử vong sau khi đi cấp cứu, còn ông Thế hiện cũng đang điều trị tại bênh viện.
Được gia đình và lực lượng chức năng vận động, khoảng 5h cùng ngày, Cường ra đầu thú.
Theo lãnh đạo Công an huyện Phú Ninh, vụ án mạng xảy ra ngay sau khi trận bóng đá giữa Anh và Senegal kết thúc. Cường lúc này có biểu hiện sử dụng chất kích thích. Trước đó, anh ta không mâu thuẫn với 2 nạn nhân.
Nhà chức trách xác định nghi phạm từng có tiền án về tội Cố ý gây thương tích, 2 lần đi cai nghiện.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nghi phạm Cường thể hiện bản tính côn đồ, mạnh động, một lúc xâm phạm tính mạng và sức khỏe của hai nạn nhân, dù nạn nhân còn lại không thiệt mạng, nghi phạm vẫn có thể bị xử lý về tội giết người với tình tiết định khung là giết từ 2 người trở lên.
Nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm có thể đối mặt với khung hình phạt 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội giết người.
Ngoài ra, theo luật sư Khuyên, nếu bị chứng minh có tội, ngoài trách nhiệm hình sự, nghi phạm con phải thực hiện trách nhiệm bồ thường cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590, 591 Bộ Luật dân sự năm 2015, do xâm phạm tính mạng và sức khỏe của hai nạn nhân.
Chi phí bồi thường do xâm phạm tính mạng gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Còn chi phí bồi thường do xâm phạm sức khỏe nạn nhân gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được, sẽ áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại được tính bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, do nạn nhân và nghi phạm không hề có mâu thuẫn, thù oán gì từ trước, nên cơ quan điều tra có thể sẽ trưng cầu giám định về tâm thần để xác định nghi phạm có bị tâm thần hay không, làm căn cứ xử lý theo quy định.
Luật sư Cường thông tin, Điều 21, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu trường hợp nghi phạm do sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy) gây nên ảo giác dẫn đến hành vi giết người, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015.
Còn trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy, nghi phạm thực hiện hành vi trong khi đang mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự, đối tượng sẽ bắt buộc phải chữa bệnh tại cơ sở điều trị chuyên khoa.
Nếu nghi phạm thực hiện hành vi khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, sẽ bị bắt buộc phải điều trị tại cơ sở chuyên khoa, sau khi khỏi bệnh, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự" – luật sư Đồng nhấn mạnh.