Ngoài việc đọc thơ và nghe đọc thơ, tôi có một chức trách mới so với thời ở Hà Nội: Theo chị Sơn, người bạn gái mới, cháu ông chủ, đi chợ và về nấu thức ăn.
Cũng lại chị Sơn hướng dẫn tôi - giống ba tôi rất ít khi dạy tôi học, mẹ tôi rất ít khi dạy tôi nấu ăn. Và có một thay đổi rất cơ bản trong thực đơn gia đình.
Trước đây gia đình tôi ăn cơm theo một cách nấu rất tự do nhưng trước tiên phải đảm bảo theo đúng gu của ba tôi: "Tau ăn cá bể kho một lượt, còn ba mi ăn cá đồng kho kỹ", mẹ tôi nói với tôi như vậy. Vẫn là vấn đề cội nguồn, một người trên núi lấy một người dưới biển.
Ngoài ra, vì ba tôi đau dạ dày và khảnh ăn nên vào thời kỳ sung túc nhất, gia đình tôi hay ăn xúp. Tôi có thể liệt kê ra đây mấy loại xúp liền, như đối với một thị trấn tôi chỉ còn giữ ký ức về một ngôi nhà, về những bữa ăn gia đình khi còn sống ở Hà Nội, tôi chỉ còn nhớ những món xúp: Xúp gà nấu sữa tươi, rưới lên những ổ bánh mì nhỏ rang giòn; xúp tapioca với những viên bột nhỏ trong trong; xúp măng tây với những thanh dài có đốt màu ngà, đôi lúc còn có cả xúp actisô, tôi nhớ mẹ tôi mua về cả một bông to, có cánh màu tím sẫm (tôi có nhớ sai màu không?).
Còn chị Sơn lại là một chuyên gia về các món hấp: Thịt băm trộn đậu phụ, hấp, thịt băm trộn trứng, hấp, bí xanh hay cà chua nhồi thịt, hấp, món sau này còn được gọi là pá xí cà chua vì rán rồi mới hấp, (sau này tôi biết dịch từ chữ farci)... Cứ thế!
Một hôm đi chợ xong, chị Sơn dẫn tôi đến nhà thờ đạo của thị xã, chúng tôi đứng ngoài hàng rào nhìn vào, một nhà thờ với gác chuông, rất đơn sơ giống mọi nhà thờ ở quê. Tôi cảm thấy sự yên tĩnh ở nơi đó, phố xá chung quanh cũng vậy.
Từ nhỏ sống với ba tôi và mẹ tôi không có cầu cúng bao giờ nên tôi không tin ở một tôn giáo nào, dù chúa là ai. Nhưng còn một ngôi chùa, một nhà thờ yên tĩnh, điều đó bao giờ cũng mang lại cho tôi một sự bình thản kỳ lạ.
Chị Sơn đứng tần ngần hồi lâu bên hàng rào. Chị mồ côi từ bé, chỉ là người cháu họ nghèo được nuôi nấng trong nhà, chắc các bác chủ đối xử tốt với chị, nhưng mồ côi vẫn là mồ côi, bằng tuổi tôi, tôi đã thấy hai bên khóe miệng của chị có nếp nhăn như ở người lớn.
Còn đầu óc tôi vào lúc ấy mông lung và vô lo tới mức đọc thơ, nghe đọc thơ và đi chợ, nấu cơm, đều là những việc chẳng khác gì nhau, tôi không hề nghĩ có lúc nào lại phải xa mẹ tôi, sự hiện diện của bà hiển nhiên gần gũi tới mức gần như vô hình, chỉ có sau này khi đã xa bà, tôi mới biết bà chính là sức mạnh che chở cho tôi suốt bấy nhiêu năm, kể từ khi dì tôi rồi chị tôi đi lấy chồng.
Ba người phụ nữ đã che chở cho tuổi thơ của tôi, rồi tuổi mới lớn, sau này ngẫm lại, tôi đều thấy họ giống nhau ở chỗ thật hồn nhiên, ngây thơ, và trừ dì tôi chết trẻ, mẹ tôi và chị tôi cho đến khi nhiều tuổi vẫn nguyên như vậy. Ít nói và hay nghĩ như tôi, đôi khi tôi còn thấy họ hồn nhiên hơn cả tôi.
Vậy mà tôi vẫn núp dưới tấm lòng che chở của họ và khi lần lượt phải xa rời họ, vẫn như một đứa trẻ, tôi cảm thấy hoàn toàn không được bảo vệ trước cuộc đời.
Trước Tết Âm lịch năm đó, Bác về thăm tỉnh. Trời ấm mặc dù chỉ mới chớm sang xuân. Tôi và Ân, một cô bạn thân từ thời Hà Nội, mặc áo dài lụa trắng để đi đón Bác.
Bác gặp dân ở một ngọn đồi thưa cây gần thị xã (không hiểu đó có phải là nơi có "mấy cây lố nhố, gọi là rừng thông" không?), vẫn dáng đi rất nhanh, vẫn giọng Nghệ pha Bắc vang như chuông. Nói chuyện xong, Bác lại gần một đứa bé bà mẹ bế trên tay, đứng trong đám đông. Bác hôn nó và cho nó một quả cam: Mọi người đều cảm thấy sung sướng như thể chính mỗi người đều được chia phần.
Sau đó ít lâu, Tỉnh hội phụ nữ mở một lớp huấn luyện. Tôi xin ba mẹ cho tôi được đi dự. Hoàn toàn ngẫu nhiên tôi được tham dự với tư cách "quan sát viên" vào một bi kịch tình yêu thời hiện đại, vậy mà chẳng khác là bao so với thời cổ đại, cuộc đời qua các thế kỉ có nhiều lặp lại hơn ta tưởng.
Chúng tôi ở thành từng tổ trong nhà dân, thường đó là những nhà gạch cao, rộng, có giường phản mát mẻ, chúng thuộc tầng lớp nào, phải mấy năm sau mọi sự mới rõ, tới lúc ấy lại phải tìm tới nhà tranh vách đất, còn lúc bấy giờ, không có phân biệt gì.
Chị Hồng Nhung, người phụ trách lớp, đưa tôi về ở cùng nhà. Tôi là học sinh, vẻ lại rất ngoan (mà cũng ngoan thật) nên đi đâu cũng được các chị lớn yêu. Chị Hồng Nhung người vùng Đa Nê, nghe nói vùng đó con gái đẹp vì họ chuyên nghề dệt vải, không phải ra đồng một nắng, hai sương.
Chị cũng đẹp như tên chị, người mảnh dẻ, mắt rộng sáng dịu dàng, miệng ăn trầu cắn chỉ, răng đen nhưng nhức. Chị chít khăn nhung đen, mặc áo lụa màu ngà, không chít khăn nâu và mặc áo vải rồng như các chị khác.
Buổi tối ngồi dưới ánh đèn chị lại càng đẹp hơn và nhỏ nhẹ nói với tôi về các bài giảng (chị không hề biết tôi rất khó nhập tâm các bài lí luận).
Cơm tập thể, dọn ngay ngoài sân đình, sáu người một mâm, ngồi xổm quanh chiếc mâm gỗ, mỗi bữa chỉ có một món ăn thôi mà tôi thấy đặc biệt ngon, món cùi dừa già để cả vỏ nâu, thái mỏng kho nước hàng, thỉnh thoảng lắm mới có lẫn vài miếng thịt ba chỉ.
Theo thói quen tôi không nhớ gì về các bài huấn luyện, còn cái vị bùi bùi thơm thơm của cùi dừa kho mặn, tôi lại giữ rất lâu trên lưỡi.