Sáng 6/12, báo Văn Hóa đã tổ chức Bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình tiêu biểu năm 2022. Theo đó, từ 111 sự kiện được 55 đơn vị đề cử, BTC đã lựa chọn 15 sự kiện tiêu biểu để tổ chức hoạt động bình chọn nhằm lựa chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu nhất trong năm 2022.
Trong 15 sự kiện được đưa ra bình chọn có sự kiện "Đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Đây là sự kiện mới diễn ra trong thời gian ngắn và chưa kết thúc theo đúng tiêu chí của một sự kiện. Trước câu hỏi: "Đàm phán chỉ là một khâu trong rất nhiều khâu của sự kiện hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", liệu đưa việc này vào bình chọn đã đủ tiêu chí hay chưa" của PV Dân Việt, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, việc đàm phán thành công hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ngoài tầm mong đợi của những người làm công tác di sản. Và không phải đợi đến lúc đưa ấn vàng này về nước mới khẳng định được sự thành công của sự kiện này.
"Sau cuộc đàm phán với hãng Millon, chắc chắn là Việt Nam, có thể là tổ chức, có thể là cá nhân sẽ mua ấn vàng này mang về nước. Những việc này vô cùng có ý nghĩa, khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực di sản trên trường quốc tế. Đây là một sự kiện có sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ lẫn các cơ quan ban ngành, cho phép Bộ VHTTDL thực hiện quyền đàm phán hồi hương di sản của Việt Nam.
Hai lần, hãng đấu giá Millon đồng ý hoãn phiên đấu giá cũng thể hiện vai trò đàm phán của chúng ta để có cơ hội hồi hương di sản này. Đây cũng là đóng góp có ý nghĩa lịch sử của ngành di sản và cũng sẽ là tiền đề để ngành văn hóa của Việt Nam có tiếng nói mạnh hơn trên trường quốc tế trong lĩnh vực hồi hương cổ vật. Chúng ta biết, thời gian Việt Nam trở thành thuộc địa của pháp, cổ vật đã bị thất lạc ra nước ngoài rất nhiều và đây sẽ là tiền đề hồi hương các cổ vật này.
Điều cuối cùng là sau 20 năm, kể từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực đến bây giờ đã có 2 lần sửa đổi và đến thời điểm hiện tại Cục Di sản văn hóa đã hoàn thành việc đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Một trong những nội dung của việc sửa đổi Luật lần này là kiến nghị ban hành các quy định về hồi hương di sản ở nước ngoài. Qua công việc hồi hương ấn vàng lần này cũng chứng minh, những nội dung đề xuất của Bộ VHTTDL trong dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi về hồi hương di sản là hoàn toàn có cơ sở và đúng đắn. Với những ý nghĩa như vậy, tôi khẳng định, ", ông Trần Đình Thành chia sẻ.
Ngày 19/10/2022, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam".
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), được vua Bảo Đại khi thoái vị, chọn cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại để bàn giao cho chính quyền cách mạng ngày 30.8.1945. Bên cạnh giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa và nghệ thuật…, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam.
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VHTTDL đã xây dựng phương án "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.
Lĩnh vực văn hóa: Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022; Đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"; Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI; Hoạt động VHTTDL kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào và Di sản tư liệu "Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn" và "Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lĩnh vực thể thao: Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31; Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023; Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX; Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu vượt chỉ tiêu tại ASEAN Para Games 2022.
Lĩnh vực du lịch: Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022; Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt 110 triệu lượt khách năm 2022; Quảng bá, xúc tiến du lịch qua Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.
Lĩnh vực gia đình: Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022; Thuyết minh cụ thể về các sự kiện được gửi kèm theo nội dung Thông cáo báo chí này.
Hoạt động bình chọn được tổ chức dưới 02 hình thức: bình chọn trực tiếp ngày 6/12/2022 tại trụ sở Bộ VHTTDL với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Tổ chức bình chọn qua mạng tại địa chỉ: sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn. Thời gian bình chọn trong 3 ngày, tính từ 8h30 ngày 6/12 đến 17h ngày 9/12.
Danh sách 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2022 sẽ được Ban tổ chức công bố sau khi tổng hợp kết quả bình chọn từ hai hình thức trên.