Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng thay mặt UBND TP trình lên HĐND TP 28 tờ tình, trong đó có tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tính đến tháng 10/2022, TP giải ngân được hơn 30.000 tỷ đồng của kế hoạch trung hạn, chiếm 22% tổng số vốn trung hạn đã được phân bổ. Dự kiến đến hết năm ngân sách 2022 (tức tính đến hết tháng 1/2023), TP cũng chỉ giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng số vốn trung hạn đã được phân bổ.
TP.HCM nhìn nhận, tiến độ giải ngân như trên là chậm, nhất là trong bối cảnh TP đã thực hiện 2/5 kế hoạch của kỳ trung hạn này. Trong các tháng còn lại của năm 2022 và các năm 2023, 2024, 2025, để giải ngân được hết tổng số vốn trung hạn là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Cùng đó, qua rà soát nhu cầu vốn để xây dựng Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, nhiều dự án vẫn có tỷ lệ đăng ký nhu cầu vốn cho năm 2023 rất thấp, dồn việc sang năm 2024, 2025.
Tình hình này đặt ra vấn đề nhiều dự án có tính khả thi thực hiện không cao, khả năng hấp thu vốn thấp. Việc dồn nhu cầu vốn vào cuối trung hạn dẫn đến rủi ro không cân đối được vốn trong năm để bố trí vốn, hoặc có thể dự án không thể hoàn thành trong trung hạn giai đoạn này.
Theo đó, UBND thành phố đề nghị HĐND xem xét dừng 17 dự án nhằm phân bổ lại nguồn vốn hạn hẹp trong bối cảnh nhu cầu vốn của các dự án đầu tư công lớn. Việc dừng 17 dự án trên sẽ giúp ngân sách tiết kiệm hơn 1.400 tỷ đồng để bố trí cho công trình cấp bách hơn như cải tạo rạch Xuyên Tâm, cầu Thủ Thiêm 4…
Trong 17 dự án đề nghị tạm dừng có 11 dự án nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức, còn lại là huyện Hóc Môn, Tân Phú, Bình Thạnh.
Hầu hết dự án này mới được ghi vốn cho giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa được bố trí kinh phí. Chủ đầu tư chủ động đề xuất tạm ngưng và sẽ tiếp tục xin bố trí vốn giai đoạn sau hoặc khi tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Trong số 17 dự án này có các dự án có vốn trên 100 tỷ đồng được tạm ngưng gồm: Mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới; bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng), còn lại là các dự án nhỏ, phần lớn là trường học.
Cùng với đó, UBND TP đề xuất giảm 690 tỷ đồng vốn của 474 dự án dùng vốn ngân sách thành phố và giảm hơn 3.970 tỷ đồng của 90 dự án do nhu cầu vốn hoàn thành công trình thấp hơn vốn trung hạn đã đăng ký (trong đó có 4 dự án ODA).
Mặt khác, UBND TP muốn được duyệt tăng 640 tỷ đồng tiền vốn cho 351 dự án và bổ sung 21 tỷ đồng vốn để chuẩn bị công tác đầu tư cầu Thủ Thiêm 4; cầu Cần Giờ; đường Vành đai 4; xây đường Liên Cảng Cát Lái - Phú Hữu.
UBND TP dự kiến bố trí vốn để điều chỉnh tăng, bổ sung kế hoạch đầu tư công cho các dự án cấp bách. Cụ thể: Hơn 2.170 tỷ đồng cho 6 dự án thuộc quận, huyện; 6.650 tỷ đồng vốn để cân đối cho dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp.