Dân Việt

Độc đáo ngôi chùa cổ gắn liền với sự tích "vua cõng phật" ở Hà Nội

Duy Huy 08/12/2022 13:00 GMT+7
Chùa Hòe Nhai tọa lạc trên phố Hàng Than (Hà Nội) nổi tiếng với pho tượng "vua cõng phật" độc nhất vô nhị về cả kiến trúc và lịch sử tạo tác.

Ngôi cổ tự có bức tượng vua cõng phật "độc nhất vô nhị" ở Hà Nội. Thực hiện: Duy Huy.

Nguồn gốc pho tượng "vua cõng phật" độc nhất vô nhị

Thượng tọa Thích Tâm Hoan – Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo quận Đống Đa, Trụ trì chùa Hòe Nhai kể lại cho chúng tôi về nguồn gốc bức tượng "vua cõng phật" ở chùa Hòe Nhai.

Thượng tọa Thích Tâm Hoan cho biết: "Từ đời Lê Hy Tông, vua đã ban một sắc lệnh hà khắc là đuổi hết các nhà sư lên rừng. Điều này khiến cho cảnh chùa chiền thời đó bị bỏ hoang, nền Phật giáo nước nhà rơi vào thảm cảnh cùng cực nhất. 

Vì thế, đã có rất nhiều tăng, ni ở các chùa phải hoàn tục. Thời điểm này, tại các ngôi chùa hầu như thiếu vắng bóng dáng tu sĩ, chùa chiền hoang phế, Phật giáo rơi vào giai đoạn khủng hoảng, có thể nói đây cũng là pháp nạn trong Phật giáo Việt Nam".

Độc đáo ngôi chùa cổ gắn liền với sự tích "vua cõng phật" ở Hà Nội - Ảnh 2.

Tam quan Chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Duy Huy.

Trước sự việc này, thiền sư Chân Dung Tông Diễn vì không muốn nền đạo Phật lâu đời trên đất Việt bị hủy hoại đã cải trang làm người dân thường đến dâng "ngọc" cho vua. 

Sau này người đời thường gọi "Ngọc khai hóa", nhưng thực chất bên trong là tờ sớ nhằm giải bày cho vua Lê Hy Tông hiểu đúng giá trị những gì mà phật giáo đem lại.

"Về được kinh thành, hòa thượng đã viết một bức sớ gửi đến vua với nội dung là vào đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật, do đó quốc gia được thịnh trị. Đạo Phật khiến người ta giảm bớt tham sân si, như một viên ngọc quý của quốc gia. Vậy tại sao đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...", Thượng tọa Thích Tâm Hoan kể.

Sau khi đọc xong bức sớ đầy tâm huyết, vua Lê Hy Tông đã hiểu được những gì mà hòa thượng muốn nói, từ đó vua đã bừng tỉnh và ngộ ra được chân lý của đạo Phật. Vì vậy, vua đã xóa bỏ sắc lệnh đã ban trong Phật giáo trước đó và mời hòa thượng vào trong triều đình để thuyết pháp.

Độc đáo ngôi chùa cổ gắn liền với sự tích "vua cõng phật" ở Hà Nội - Ảnh 3.

Bản sao bức tượng "Vua cõng Phật" còn được gọi là "Dị tượng", tức là tượng lạ vì chưa từng có bức tượng nào mang ý nghĩa thế này. Tượng còn có tên gọi là "Dĩ thân vi thân sàng", tức là lấy thân làm sàng ngồi, để nói lên tấm lòng của vị vua Lê Hy Tông đối với Phật giáo. Ảnh: Duy Huy.

Để thể hiện sự sám hối và sửa chữa bản thân, vua Lê Hy Tông đã cho người tạc một pho tượng lớn có hình dáng nhà vua đang phủ phục dưới đất cõng Phật trên lưng và đặt tên pho tượng này là "Vua sám hối" (sau này được gọi là tượng vua cõng Phật). 

Bức tượng này còn được gọi là "Dị tượng", tức là tượng lạ vì chưa từng có bức tượng nào mang ý nghĩa thế này. Hoặc một tên gọi khác là "Dĩ thân vi thân sàng", tức là lấy thân làm sàng ngồi, để nói lên tấm lòng của vị vua Lê Hy Tông đối với Phật giáo.

Về tổng thể, bức tượng cao hơn 3m, được đặt phía bên trái của chánh điện. Bộ tượng này được tạo có sự cân đối giữa chiều cao cũng như bề rộng của tượng Phật ngồi trên và tượng vua quỳ phía dưới. 

Hình tượng Phật ngồi trên được khắc họa với vẻ mặt từ bi, tay bắt ấn trang nghiêm, bên dưới là hình tượng vua quỳ xuống, hai tay ngửa lên thể hiện sự tôn kính, quy phục, ăn năn hối lỗi. 

Độc đáo ngôi chùa cổ gắn liền với sự tích "vua cõng phật" ở Hà Nội - Ảnh 4.

Tấm bia đá cổ nhất trong chùa Hòe Nhai là bia Chính hòa thứ 24 (1703). Ảnh: Duy Huy.

Với những nét chạm trổ đơn giản tạo nên thần thái cho cả hai bức tượng, toàn bộ tượng đều được sơn son thếp vàng, chỉ có vài chỗ vì trải qua thời gian có phần bong tróc, tuy nhiên nước sơn tượng vẫn giữ được màu sắc khá đẹp, đây là bức tượng có phong cách Đại Việt cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII.

Ngôi chùa cổ lưu giữ lịch sử Thăng Long

Nằm trên mảnh đất có diện tích 3.000m2, chùa Hòe Nhai nhìn theo hướng Tây, trông ra con phố cùng tên, được thiết kế theo kiểu "nội công, ngoại quốc". Ngoài cùng là tam quan chạy dài được thiết kế kiểu hoa biểu bốn trụ điển hình của phong cách kiến trúc thời Nguyễn. 

Qua tam quan là một khoảng sân hẹp, nơi có 3 tòa tháp được xây thẳng hàng. Ngoài 2 tòa tháp ở phía trước Tam bảo còn có tháp Ấn Quang nằm bên phải cổng chùa được xây dựng năm 1963 để tưởng nhớ hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu tại Sài Gòn nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm.

Chùa Hòe Nhai hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá có giá trị lịch sử, nghệ thuật như: khánh đồng cao 1m, rộng 1.5m được đúc từ năm Long Đức thứ 3 (1734) đời vua Lê Thuần Tông, trống đồng đúc vào thời vua Tự Đức (1848-1883) nhà Nguyễn. Trong chùa còn có 28 tấm bia, cổ nhất là tấm bia dựng vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703).

Độc đáo ngôi chùa cổ gắn liền với sự tích "vua cõng phật" ở Hà Nội - Ảnh 5.

Nhiều bức tượng cổ hiện nay còn được lưu giữ nguyên vẹn bên trong chùa Hòe Nhai. Ảnh: Duy Huy.

Trong chùa còn có nhiều bức tượng cổ, nhất là tượng Cửu Long, một bộ khác là bộ tượng Dược Sư Tam Tôn bao gồm Phật Dược Sư, Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát cổ nhất tại Việt Nam. Ngoài ra có bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh. 

Những tượng này đều có điểm đặc biệt là tạo hình không tóc như một nhà sư chứ không có tóc xoắn ốc. Có thể nói, tuy hình tướng bên ngoài có khác nhau, nhưng cái tâm cầu tu tập học Phật giác ngộ thì không có sự phân biệt, những hạnh tu, quả chứng bằng phương pháp độ sanh đại biểu cho thời kỳ nhập thế. 

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, năm 1989, chùa Hòe Nhai đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.