Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tham dự hội nghị còn có ông Phạm Minh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Đại diện Văn phòng Trung ương Hội tại miền Nam; ông Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cùng lãnh đạo một số sở ngành tỉnh Ninh Thuận.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận (nay là Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015 với tổng giá trị đầu tư trên 40,2 tỷ đồng gồm: Nhà học hành chính; nhà ký túc xá học viên, nhà ăn; xưởng thực hành và cá hạng mục công trình phụ trợ hạ tầng kỹ thuật cấp IV…
Trong quá trình đưa vào vận hành sử dụng từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Thuận đã trực tiếp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội; đào tạo nghề cho cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới cùng các hoạt động khác nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2017, Trung tâm đã tổ chức 18 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho 1.125 hội viên; mở 42 lớp dạy nghề cho 1.350 lao động nông thôn, trong đó có 39 lớp/1.255 lao động nông thôn theo chương trình đào tạo nghề thường xuyên và 3 lớp/95 lao động nông thôn theo chương trình đào tạo nghề sơ cấp.
Ngoài ra, từ năm 2018 – 2022 đã tổ chức 136 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 7.901 lượt hội viên theo yêu cầu của nông dân các địa phương; đã tổ chức tập huấn. Song song đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cũng đã phối hợp Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tổ chức thành công một lớp sơ cấp thú y và một lớp Trung cấp chăn nuôi thú y cho học viên huyện miền núi Bác Ái khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đánh giá cao việc khai thác sử dụng tài sản của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, trực tiếp là Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh thời gian qua.
"Sau khi tiếp nhận bàn giao Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận và Ban Giám đốc Trung tâm cần tiếp tục tiếp tục quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, phát huy hơn nữa tài sản sau đầu tư, không để xảy ra tình trạng lãng phí...", ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Song song đó, ông Nguyễn Xuân Định cũng mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các sở ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ để Hội Nông dân tỉnh cũng như Trung tâm Hỗ trợ nông dân nhằm đưa công tác hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Cũng tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân, văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận và lãnh Sở tài chính tỉnh Ninh Thuận đã ký biên bản bàn giao tài sản sau đầu tư của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận.