Gã khổng lồ chip bán dẫn TSMC đã được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Giám đốc điều hành Apple Tim Cook chào đón trong tuần qua trong buổi lễ khánh thành nhà máy sản xuất trị giá 40 tỷ USD ở Arizona - một khoản đầu tư khổng lồ được thiết kế để giúp đảm bảo nguồn cung cấp chip tiên tiến nhất cho Hoa Kỳ.
Nhưng ở quê nhà Đài Loan, có một sự lo lắng sâu sắc về áp lực chính trị và thương mại ngày càng tăng đối với nhà sản xuất chip quan trọng nhất thế giới để mở rộng ra quốc tế. Bởi công ty cũng đang xây dựng một cơ sở tại Nhật Bản và xem xét đầu tư vào châu Âu.
"Chúng giống như Viên kim cương Hy vọng của chất bán dẫn. Mọi người đều muốn chúng", G. Dan Hutcheson, phó chủ tịch của TechInsights, một tổ chức nghiên cứu chuyên về chip cho biết.
"Khách hàng ở Trung Quốc muốn TSMC xây dựng ở đó. Khách hàng ở Mỹ muốn họ ở đó. Và khách hàng ở châu Âu cũng muốn điều tương tự", ông nói thêm.
Ngoài nguy cơ TSMC sẽ mang theo công nghệ tiên tiến nhất của mình đi xa — tước đi một trong những tài sản độc nhất của Đài Loan, và giảm cơ hội việc làm tại địa phương, còn có những lo ngại rằng sự hiện diện giảm sút của công ty có thể khiến Đài Loan chịu áp lực lớn hơn từ Bắc Kinh, vốn đã thề sẽ kiểm soát hòn đảo tự trị bằng vũ lực nếu cần thiết.
TSMC được coi là kho báu quốc gia ở Đài Loan và cung cấp cho những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Apple và Qualcomm. Quốc đảo này sản xuất hàng loạt chip bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới, những thành phần quan trọng giúp vận hành trơn tru mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến máy giặt.
Công ty này cũng được coi là rất có giá trị đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với Trung Quốc - quốc gia tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình mặc dù chưa bao giờ kiểm soát nó - đến nỗi đôi khi nó còn được coi là một phần của "lá chắn silicon" chống lại một cuộc xâm lược quân sự tiềm tàng của Bắc Kinh. Sự hiện diện của TSMC tạo động lực mạnh mẽ cho phương Tây bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực.
Hutcheson nói: "Ý tưởng là nếu Đài Loan trở thành một cường quốc về chất bán dẫn, thì Mỹ sẽ phải hỗ trợ và bảo vệ nó".
Doanh thu tháng 11 của TSMC tăng 50% bất chấp những thách thức của Covid
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) báo cáo rằng, doanh số bán hàng của họ đã tăng 50% trong tháng 11 vừa qua, một tháng bị thách thức bởi nhu cầu điện tử tiêu dùng sụt giảm và sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới cho biết, tổng doanh thu tháng 11 đạt 222,71 tỷ đô la Tân Đài Tệ (7,27 tỷ USD), tăng 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty báo cáo doanh thu tăng đột biến trong tháng 11 một phần nhờ các đơn đặt hàng chip bán dẫn cho điện thoại thông minh cao cấp như điện thoại Iphone của Apple. Đây cũng là nhà cung cấp độc quyền chip Silicon của Apple Inc cho iPhone và máy Mac. Vốn dĩ, TSMC đã phải đối mặt với sự suy giảm trong các lĩnh vực của thị trường chip trước tình hình giá cả tăng cao, lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn do Covid-19 ở Trung Quốc.
Báo cáo doanh thu tháng 11 đưa TSMC đi đúng hướng để đạt được mục tiêu quý IV/2022 đã nêu trước đó là từ 19,9 tỷ đến 20,7 tỷ USD. Trong tháng 10 và tháng 11, tổng doanh thu của TSMC đạt khoảng 14,1 tỷ USD.
Dale Gai, nhà phân tích chất bán dẫn tại Counterpoint Research, nói với CNBC qua email: "Doanh thu tháng 10/ 11 của TSMC đang đi đúng hướng so với những gì ban quản lý đã đề ra cách đây 2 tháng, mặc dù hoạt động kinh doanh của nhiều tên tuổi khác trong ngành cũng đang chậm lại đáng kể".
Gai cho biết, nhiều điện thoại thông minh cao cấp iPhone của Apple dùng chip A16, điều này cho đã đóng góp vào phần lớn sức mạnh theo mùa của TSMC".
TSMC được cho là nhà sản xuất chip bán dẫn quan trọng nhất thế giới. Họ có một lượng lớn khách hàng dựa vào để có được những con chip tiên tiến nhất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng công ty này cũng bị cuốn vào giữa cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc về chip. Hoa Kỳ đã tìm cách cắt đứt Trung Quốc khỏi các con chip và công cụ quan trọng trong khi cố gắng khôi phục sản xuất chất bán dẫn.
Đầu tuần qua, TSMC đã công bố khai trương nhà máy chip thứ hai ở Arizona tăng khoản đầu tư vào bang này từ 12 tỷ USD lên 40 tỷ USD. Tổng thống Joe Biden đã có mặt tại sự kiện công bố khoản đầu tư, nhấn mạnh vai trò quan trọng mà TSMC sẽ đóng trong lĩnh vực bán dẫn của Mỹ.
CEO Tim Cook của Apple cũng tham dự sự kiện này và cho biết nhà sản xuất iPhone sẽ mua chip sản xuất tại Mỹ của TSMC.
Trong khi doanh thu tháng 11 của TSMC đang nhận được sự thúc đẩy từ Apple, các nhà phân tích lo lắng về các đơn đặt hàng yếu hơn trong năm tới. Sze Ho Ng, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư China Renaissance, cho biết: "Bài kiểm tra thực sự đối với công ty này sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2023".