Theo đài CNN, nhân chứng tại hiện trường đã thấy cảnh nạn nhân đổ gục xuống ngay tại khu vực báo chí. Hiện chưa rõ hoàn cảnh và nguyên nhân tử vong chính xác của nam nhà báo.
Tuy nhiên trước đó, trong một đoạn clip được xuất bản ngày 6/12, Wahl đã chia sẻ về tình trạng sức khỏe không tốt của mình, như xuất hiện những cơn đau thắt ngực và khó thở. Nạn nhân tin rằng mình đã bị một căn bệnh mang tên "viêm cuống phổi" trước khi tử vong.
Đến ngày 11/12, thêm một phóng viên ảnh của kênh truyền hình tại Qatar cũng đột ngột qua đời khi đang tác nghiệp tại World Cup 2022 mà không rõ nguyên nhân.
Không có bệnh "viêm cuống phổi"
Trao đổi với phóng viên Dân trí xoay quanh sự việc trên, bác sĩ Quách Minh Phong, Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) khẳng định, không có cái gọi là "viêm cuống phổi". Đây chỉ là cách nói của dân gian, truyền miệng.
Thuật ngữ trong y khoa chỉ có bệnh viêm phổi, bao gồm viêm phổi mắc phải trong cộng đồng (CAP), viêm phổi bệnh viện (HAP) hoặc viêm phổi thở máy (VAP)…
Để xác định một người có mắc bệnh viêm phổi hay không phải hội tụ đủ 3 triệu chứng lâm sàng cụ thể, bao gồm ho, sốt và tức ngực, ảnh chụp X-quang phổi thấy có tổn thương, xét nghiệm chỉ số bạch cầu tăng...
Nếu chỉ có tức ngực và khó thở, bệnh nhân có thể gặp vấn đề khác, như bệnh suyễn.
Theo bác sĩ Phong, có nhiều nguyên nhân gây ra viêm phổi. Trong thời điểm giao mùa, bệnh nhân dễ bị virus hợp bào xâm nhập, làm cho bội nhiễm và gây viêm phổi (mà nông dân hay gọi là sưng phổi).
Viêm phổi cộng đồng nếu phát hiện trễ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp. Ngoài ra, virus cũng rất dễ đề kháng kháng sinh, vì trước khi tìm đến bệnh viện, người dân có thói quen tự ý ra tiệm mua thuốc tây uống.
Dù viêm phổi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên bác sĩ Phong khẳng định, không có chuyện bệnh này khiến người mắc bất ngờ đột tử trong tích tắc, mà phải kèm theo các yếu tố khác, như bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, hen ác tính…
"Viêm phổi không gây chết đột ngột. Người bệnh viêm phổi nếu biến chứng suy hô hấp cần phải kéo dài 36 giờ đồng hồ. Có thể bệnh nhân đã bị bệnh từ những ngày trước, kèm với một tình trạng khác", bác sĩ Phong nhận định.
Cảnh giác viêm phổi lúc giao mùa
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Dương Minh Trí, Phó khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, không có thuật ngữ "viêm cuống phổi", mà chỉ có bệnh viêm phổi. Tuy nhiên khi bệnh nhân tử vong quá nhanh, bất ngờ, cần nghĩ đến các nguyên nhân khác như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
"Kể cả tình trạng viêm phổi nặng như Covid-19 cũng không thể chết ngay mà phải diễn tiến từ từ, từng ngày. Nếu bệnh nhân nặng, khó thở và được hỗ trợ oxy cũng không thể chết ngay. Ngoài ra, còn một bệnh khác liên quan đến phổi có thể gây chết nhanh, đó là thuyên tắc động mạch phổi, tuy nhiên tình trạng này ít gặp với người nam còn trẻ", bác sĩ Trí nói.
Phân tích thêm về tình huống trên, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, chuyên khoa Hồi sức, hiện công tác tại một bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM cho biết, cuống phổi là cách nói dân gian để chỉ khí phế quản. Do đó, nói viêm cuống phổi có thể hiểu là tình trạng viêm phế quản. Đây là căn bệnh hô hấp khá phổ biến, và khó có thể gây chết ngay.
Bác sĩ Quách Minh Phong thông tin, TPHCM đã bước vào thời điểm giao mùa, do đó lượng bệnh nhân mắc viêm phổi đã có dấu hiệu tăng mạnh. Hiện, các giường bệnh của đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã không còn chỗ trống, công suất hoạt động lên đến 112%. Hầu hết các bệnh nhân tại đây là người trên 60 tuổi và có bệnh nền, với thời gian điều trị kéo dài từ 10-12 ngày.
"Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận 5-7 bệnh nhân viêm phổi. 25 giường bệnh của khoa đã không còn chỗ trống, phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm", bác sĩ Phong nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, thời điểm cuối năm, giao mùa, các bệnh đường hô hấp như viêm phổi đang có điều kiện gia tăng. Do đó khi có các triệu chứng như ho nhiều, ho đàm, khó thở, tức ngực, sốt… cần đến bệnh viện để được khám, chụp phim phổi, từ đó kịp thời can thiệp, xử lý bệnh.