Dân Việt

Người có dấu hiệu muốn tự tử, nhận diện bằng cách nào?

Diệu Linh 14/12/2022 06:12 GMT+7
Thời gian gần đây có nhiều vụ tự tử mà phần lớn đều là người trẻ tuổi, gây ra nỗi đau đớn khôn nguôi cho người già. Theo bác sĩ, trước khi tự tử mọi người thường có các dấu hiệu "cầu cứu", nếu nhận biết có thể ngăn cản được chuyện đáng tiếc.

Tại Hội thảo truyền thông về sức khỏe tâm thần: Hành vi tự sát, diễn ra tại Hà Nội chiều 13/12, TS,  Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: “Ý tưởng tự tử không phải bộc phát mà được nuôi dưỡng qua thời gian dài”.

Có tới 36% người tự tử đã có hành vi tự tử, lời nói chán nản muốn chết từ trước. Trong đó, nhóm 10-25 tuổi chiếm tỷ lệ có hành vi tự tử cao.

Theo TS Dũng, sau Covid-19, tỷ lệ rối loạn trầm cảm, có hành vi tự tử và tự tử đã gia tăng. Thời gian gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần đã tiếp nhận không ít bệnh nhân trầm cảm, có hành vi gây hại cho bản thân khiến người nhà sợ hãi đưa đến viện điều trị. 

Ngoài ra cũng có không ít trường hợp thua lỗ chứng khoán, làm ăn thua lỗ, vỡ nợ nên có ý định tự tử cũng được gia đình đưa đến khám. 

Người có dấu hiệu muốn tự tử, nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 1.

Các chuyên gia Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ về các dấu hiệu nhận biết nguy cơ tự tử để ngăn chặn. Ảnh CTV

"Những người có hành vi tự tử đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cần được đi khám chuyên khoa tâm thần thăm khám và điều trị bằng cả thuốc lẫn liệu pháp tâm lý. 

Đáng tiếc là vẫn có người còn e ngại, kỳ thị với bệnh tâm thần. Khi thấy người nhà có ý nghĩ, lời nói muốn chết, hành vi tự tử không thành thì thường mắng át hoặc bỏ qua mà không nghĩ đến việc đưa họ đi điều trị về tâm thần", TS Dũng chia sẻ. 

Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc (Viện Sức khỏe tâm thần) cũng cho biết, theo 1 số nghiên cứu, khoảng 60% người có ý tưởng tự tử sẽ chuyển sang kế hoạch tự tử và từ kế hoạch tự tử sang toan tự tử trong năm đầu tiên sau khi bắt đầu có ý định tự tử. 

Ngoài ra cũng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tự tử. Cụ thể như: Tiền sử gia đình và di truyền; Bất hạnh thời thơ ấu; Tình trạng hôn nhân không hạnh phúc; Rối loạn tâm thần; Bệnh lý nội khoa, Rối loạn thần kinh; Chấn thương sọ não; Đau mạn tính.

 “Ý tưởng, hành vi tự tử được xác định là một trong những cấp cứu tâm thần. Do đó với những trường hợp này cần nhập viện ngay lập tức để theo dõi giám sát 24/24h, đặc biệt là những trường hợp trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự tử. 

Ở môi trường bệnh viện luôn lưu ý phải loại bỏ những vật dụng hoặc phương tiện để người bệnh có thể tự tử”, bác sĩ Tùng nhận định. 

Do đó, khi phát hiện người thân có ý nghĩ tự tử thì đừng coi đó là "chuyện vớ vẩn" bỏ qua mà cần đưa đi khám chuyên khoa tâm thần để được điều trị. 

Bác sĩ Bùi Văn Toàn, Phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần cũng cho biết, ý tưởng tự tử được nuôi dưỡng khá lâu trước khi biết thành "hành động". Do đó, nếu nhận biết sớm các dấu hiệu để ngăn chặn sẽ là cách tốt nhất để tránh đau thương. 

Người có dấu hiệu muốn tự tử, nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 2.

Nhóm thanh thiếu niên từ 10 - 25 tuổi chiếm tỷ lệ có hành vi tự tử cao. Ảnh minh họa Pixabay

Theo bác sĩ Toàn, những người có ý định tự tử thường có các dấu hiệu như: Tâm trạng "chán đời"; Buồn phiền, mất ngủ, thu mình, né tránh người thân bạn bè; Thường xuyên nói về cái chết, nhất là sau khi làm ăn, đầu tư thua lỗ; tình cảm đổ vỡ, bệnh nặng... 

"Khi thấy người thân có các dấu hiệu trên cần theo dõi, quan tâm sát sao và kịp thời đưa đi khám chuyên khoa tâm thần để được điều trị", bác sĩ Toàn nhấn mạnh. 

TS Dũng cũng cho rằng, có khoảng 22–88% những người có ý tưởng tự tử đã tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách đến bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. 

Tuy nhiên, để nhận biết ra các trường hợp này cần phải có kiến thức, chuyên môn. Do đó, cần đào tạo nhân viên y tế để họ nhận biết, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp có nguy cơ tự tử.