Đây là một trong những nghiên cứu của ThS.BS Đoàn Công Minh (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) được báo cáo tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Theo nghiên cứu về tình trạng loãng xương trên 1.421 nữ và 652 nam trên 50 tuổi đang sinh sống tại TP.HCM cho thấy, 27% nữ và 10% nam trên 50 tuổi bị loãng xương và gần 50% nữ, 30% nam cần có chỉ định điều trị loãng xương theo tiêu chuẩn của Hiệp hội loãng xương quốc gia Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người dân vẫn chưa tiếp nhận điều trị loãng xương đúng mức.
Theo bác sĩ Đoàn Công Minh, loãng xương gây ra nguy cơ tàn phế và có thể tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc loãng xương càng gia tăng.
Ước tính, toàn thế giới có trên 500 triệu người bị loãng xương. Ở Việt Nam, con số này khoảng 3,6 triệu người. Dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người Việt Nam bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%.
Lão hóa dân số là nguyên nhân chính gây nên tình trạng gia tăng bệnh loãng xương và Việt Nam là quốc gia có tốc độ lão hóa dân số nhanh. Chính vì thế, loãng xương đang gia tăng nhanh trong cộng đồng và đang là gánh nặng lớn của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, khảo sát về tình hình kháng kháng sinh của các chuẩn vi khuẩn gây bệnh thường gặp của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà (Trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cùng các cộng sự thực hiện cho thấy, hiện nay vi khuẩn gram âm là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất và chỉ còn một số loại kháng sinh cho hiệu quả điều trị. Do vậy, chiến lược kiểm soát và sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên kết quả kháng sinh đồ là hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh.
Cùng với đó, các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện như vệ sinh môi trường, vệ sinh bàn tay nhân viên y tế là những giải pháp phòng ngừa đơn giản, hữu hiệu, đặc biệt là khi chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức chống độc bởi mức độ kháng kháng sinh ở khu vực này thường rất cao.
Nghiên cứu về phản ứng có hại của thuốc (ADR), dược sĩ Vũ Thu Thảo cho biết, trong giai đoạn từ 2018 đến tháng 11/2022, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã có 544 báo cáo về ADR. Các biểu hiện ghi nhận ADR là ngứa, ban đỏ, rét run, khó thở, sưng phù mặt - mắt, mệt, buồn nôn - nôn, tăng hoặc hạ huyết áp, sốt, sốc.
Trong 10 thuốc nghi ngờ gây ADR được báo cáo nhiều nhất có đến 6 loại thuốc kháng sinh, cao nhất là 3 loại thuốc Levofloxacin, Ceftriaxone, Vancomycin. Nhóm nghiên cứu nhận định, tại Việt Nam, các bệnh về nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có tỷ lệ mắc cao, thêm vào đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh cũng góp phần làm gia tăng tình trạng ADR của nhóm thuốc này.
Nhiều thứ 2 là thuốc cản quang và nhóm thuốc giảm đau. Theo nhóm nghiên cứu, ADR là vấn đề nổi cộm trong sử dụng thuốc, là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, giảm tuân thủ điều trị và tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. Ở một số quốc gia, ADR thuộc các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân.