Theo các chuyên gia giao thông, TP.HCM hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, không chỉ thể hiện ở việc gia tăng dân số mà cả ở tiến trình cơ giới hóa, tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần nghiên cứu đánh giá quy hoạch, rà soát tổng thể hiện trạng mạng lưới giao thông thành phố.
Trong bối cảnh việc đầu tư cho đường bộ còn thấp và dần có những khiếm khuyết, các chuyên gia đề xuất trong quy hoạch mới, TP.HCM cần nghiên cứu, tính toán phát triển mạnh mẽ hệ thống đường sắt kết nối vùng, gắn với mô hình TOD (định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn) để phục vụ mục tiêu phát triển.
Sở GTVT TP.HCM kiến mở rộng mạng lưới đường sắt tại địa phương. Ảnh: H.T
Trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tình hình triển khai Luật đường sắt năm 2017 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị sớm mở rộng mạng lưới đường sắt tại địa phương để phục vụ nhu cầu người dân, kết nối liên tỉnh.
Theo đó, Sở GTVT TP.HCM cho biết đường sắt Bắc – Nam là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng của đất nước. Trong đó, tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 14 km. Cụ thể, tại địa bàn TP.HCM, đường sắt đi qua các quận gồm quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có ba nhà ga và có tổng cộng 24 vị trí đường ngang - đường sắt. Tất cả các đường ngang đều có hệ thống biển báo hiệu đầy đủ, thường xuyên được đơn vị quản lý kiểm tra và bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn.
Các đường ngang không có người gác - đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang có cần chắn tự động đều được bố trí lực lượng Thanh niên xung phong trực gác cảnh báo từ 6 giờ đến 22 giờ.
Ngoài ra, các địa phương và cơ quan chức năng còn bố trí các lực lượng tham gia tăng cường trong các giờ cao điểm. Đối với việc kết nối tín hiệu giao thông đường bộ, đường sắt, hiện nay trên địa bàn thành phố có năm vị trí kết nối tín hiệu giao thông đường bộ, đường sắt.
Để phát triển mạng lưới đường sắt, Sở GTVT TP kiến nghị sớm đầu tư để triển khai dự án mở rộng ga Bình Triệu theo quy hoạch. Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đưa vào khai thác, đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng định hướng tận dụng một phần để xây dựng đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất - ga Bình Triệu - ga Thủ Thiêm và sân bay Long Thành.
Đồng thời kéo dài tuyến đường sắt TP.HCM - Tây Ninh đến cửa khẩu Mộc Bài để có thêm phương án kết nối liên vận quốc tế với đường sắt Campuchia.
TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung tuyến nhánh kết nối tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ với ga đầu mối hành khách trung tâm Bình Triệu để vận chuyển hành khách từ phía Cần Thơ, Tây Ninh vào trung tâm thành phố được thuận lợi và hiệu quả.