Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh- sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Globalw.
Toàn cầu hóa tạo ra xu hướng
Tại phiên thảo luận chủ đề toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ, người điều phối là TS Xuedong Huang, Tập đoàn Microsoft. TS Huang đặt ra câu hỏi: Toàn cầu hóa tạo ra xu hướng. Sắp tới đâu là thách thức và làm sao khai thác nhiều hơn toàn cầu hóa?
Nhà khoa học đạt giải Nobel vật lý 2018, GS Gérard Albert Mourou, ĐH Bách khoa Paris (Pháp), nói: "Ta đang sống làm việc trong một ngôi làng toàn cầu với nhiều nhu cầu về năng lượng công nghệ". Tôi thấy các nhà khoa học nghiên cứu từ laze, có thể tạo ra các nguồn năng lượng lớn, hơn cả hạt nhân. Công nghệ này ra đời 50 năm nhưng vẫn còn những vấn đề có thể giải quyết và phát triển.
Hiện tại có những đề xuất lớn, để giải quyết các vấn đề lớn. Laser có thể tạo ra năng lượng không giới hạn. Đó là chuyện ta mới thấy hướng nghiên cứu nhưng còn nhiều vấn đề cần xem xét. Cái ta cần cố gắng là nỗ lực, không phải nỗ lực một lần, nó không kỳ điệu thế. Ta còn khoảng cách và cần được khích lệ. Các nhà khoa học sẽ cùng tập hợp để giải quyết vấn đề đó. Khi có một phát minh, ta cần tập trung trí tuệ toàn cầu".
Giáo sư Leslie Gabriel Valiant, Trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Harvard, Mỹ, cho rằng khó mà nói về khoa học mà không nghĩ tới chuyện toàn cầu. Bởi chúng ta ngày càng có nhiều người trẻ tài năng tham gia khoa học và giải quyết vấn đề lớn. "Chúng ta cũng đại diện nhiều ngành, số lượng lớn. Khoa học tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Thay vì khoa học chỉ đóng vai trò nhỏ chỉ giữ cho riêng mình mà không chia sẻ. Bây giờ các công trình đều công khai và toàn cầu hóa giúp mọi người tiếp cận các công bố đó", GS Valiant chia sẻ.
GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale (Mỹ), Giám đốc Khoa học Viện Dữ liệu lớn VinBigdata cũng nêu ví dụ về công cuộc giúp nhân loại vượt qua đại dịch Covid-19 của các nhà khoa học, như một minh chứng dễ nhìn thấy nhất của lợi ích toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ.
"Phải xem quá trình toàn cầu hóa giải quyết vấn đề cấp bách nhân loại ra sao. Vấn đề toàn cầu hiện tại chúng ta đang đối mặt như 2-3 năm qua là đại dịch Covid-19. Cả thế giới đã đoàn kết giải quyết vấn đề. Đó là cơ hội cho công nghệ mà chưa từng nghĩ tới.
Chúng ta đã tìm ra vắc xin, nhưng Covid-19 lại tiếp tục có biến chủng mới, ta lại có vắc xin mới, dường như điều này kéo dài mãi. Nhưng giải pháp đang xuất hiện, là ta có thể sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để xác định điểm chung của biến chủng để giải quyết vấn đề. Hiện đã có các công ty nghiên cứu phát triển một loại vắc xin cho mọi loại biến chủng. Tức là toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích toàn cầu".
Tiến trình chuyển giao công nghệ hiện ra sao?
TS Xuedong Huang tiếp tục đặt ra câu hỏi, rằng chúng ta đang sống trong thế giới phức tạp, và ngày càng tăng mức độ phức tạp. Vậy tiến trình chuyển giao công nghệ hiện ra sao?
GS Kostya S.Novoselov nêu ví dụ về sự phát triển công nghệ lọc nước. Chẳng hạn, giới khoa học từng rất chú ý việc Singapore từng nhập khẩu công nghệ lọc nước. Nhưng sau đó, việc sử dụng công nghệ này đã phát triển nhanh chóng trên thế giới, đặc biệt là tại các nước vùng sa mạc, vì người dân sống tại các vùng sa mạc là những người cần đến nhất công nghệ đó.
Nhưng cũng theo GS Kostya S.Novoselov, toàn cầu hóa khoa học công nghệ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nhờ sự trao đổi cởi mở giữa các phòng thí nghiệm mà một công nghệ nào đó có sự phát triển vượt bậc. Hơn nữa, sự phát triển về công nghệ ngày nay rất phức tạp, nhiều khi rất khó xác định đâu là công nghệ lõi. Một công nghệ nhiều khi dựa vào đồng thời nhiều sáng chế. Vì thế, việc sở hữu trí tuệ trong tương lai không thể theo cách như bây giờ.
Vậy làm sao để ta triển khai các hoạt động thúc đẩy KHCN tại các nước đang phát triển – nơi kinh phí chưa nhiều?
GS Vũ Hà Văn nói, đây là câu hỏi trăn trở. KHCN chính là cơ hội duy nhất với nhiều nơi. Cách mạng CN đã thay đổi thế giới và Việt Nam cần điều như vậy.
Vì các yếu tố địa lý, lịch sử mà Việt Nam và rất nhiều nước có nền khoa học công nghệ chưa phát triển khác đã hoàn toàn đứng ngoài các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trước đây.
Tuy nhiên, với cuộc cách mạng lần này thì Việt Nam chỉ cần sẵn sàng để bước lên con tàu của mình. Sự sẵn sàng ở đây, theo GS Văn, đó là con người. "Vừa rồi, tôi phụ trách một lab với khoảng 100 người, phần lớn họ tốt nghiệp đại học trong nước. Sau một năm tập trung, chúng tôi đã cho ra sản phẩm mà chất lượng của nó chẳng kém cạnh gì thế giới. Điều đó cho thấy con người của chúng ta có khả năng bước vào cuộc cách mạng này, vấn đề giờ chỉ là sự đầu tư", GS Văn nói.
Trong khi GS Jennifer Tour Chayes, ĐH California, Berkeley (Mỹ), cho rằng tiền đề cho các nước đang phát triển tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 là tài năng đến ở khắp nơi, chứ không chỉ ở các nước phát triển.
GS Gérard Albert Mourou cũng đồng tình, tài năng có ở mọi nơi, ngay ở tại các nước nghèo đói của châu Phi, nhưng để sử dụng tài năng thì không phải là "khắp nơi" mà phải là môi trường phù hợp.
"Tài năng ở khắp nơi, nhưng tài năng cần được nuôi dưỡng trong một nơi cụ thể nào đó, ví dụ như trong môi trường học thuật, trong trường ĐH... Tôi cảm nhận là chúng ta vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề nuôi dưỡng tài năng", GS Mourou chia sẻ.