Trong quy chế xét thi đua khen thưởng của Trường Đại học Luật TP.HCM có áp dụng quy định về khen thưởng công bố quốc tế cho giảng viên. Theo đó, nhà trường thành lập 2 Hội đồng xét thưởng công bố quốc tế và đã khen thưởng 28 bài báo của các giảng viên công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Theo đánh giá của Trường ĐH Luật TP.HCM, đây là một kết quả rất đáng mừng, phản ánh được các thành tích trong hoạt động công bố quốc tế của giảng viên của trường, đồng thời thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ của nhà trường đối với hoạt động này.
Tuy nhiên, qua quá trình xét thưởng, nhà trường nhận thấy có một số trường hợp giảng viên của trường vì nhầm lẫn hoặc không có thông tin nên đã gửi bài cho những tạp chí không đáng tin cậy, cụ thể là gửi cho các tạp chí có các dấu hiệu của tạp chí “mạo danh” hoặc tạp chí “săn mồi”.
Đây là các tạp chí truy cập mở (open access), được thành lập với mục đích thu tiền của tác giả để đăng bài.
"Tình trạng này khiến cho một số bài báo, mặc dù được các tác giả đầu tư rất công phu, nhưng do gửi cho các tạp chí không đáng tin cậy nên không đủ điều kiện để được xét thưởng theo quy định của nhà trường; không những thế còn có thể không được công nhận khi xem xét, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên", Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết.
Trường ĐH Luật TP.HCM đưa ra những cảnh báo để giảng viên có thông tin nhận diện những tạp chí không đáng tin cậy và tránh được các rủi ro khi gửi bài. Cụ thể, các bài báo quốc tế sẽ không được khen thưởng nếu thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 3 Quy định Khen thưởng công bố quốc tế, đó là “Công trình công bố quốc tế được đăng tại các tạp chí, ấn phẩm quốc tế không đáng tin cậy, không có quy trình biên tập, phản biện”.
Ngoài ra, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đưa ra những dấu hiệu để giảng viên tham khảo, nhận biết một tạp chí không đáng tin cậy. Chi tiết xem TẠI ĐÂY.