Dân Việt

Con nuôi của Tào Tháo: Từng đẩy lùi Gia Cát Lượng, khiến Tư Mã Ý phải kiêng dè

Quốc Tiệp 23/12/2022 08:30 GMT+7
Khác với hình tượng của một vị tướng "càng đánh càng thua" như trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Chân ngoài đời thực đã từng đánh lui Gia Cát Lượng và cũng nhiều lần ra mặt áp chế Tư Mã Ý.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa cũng như trên phim ảnh, hình tượng nhân vật này được khắc họa có phần khác với thực tế. La Quán Trung mô tả Tào Chân khi tham gia chiến dịch Bắc Phạt, Tào Chân thường bị những kế sách xuất thần của Gia Cát Lượng làm khó, từ đó quân Ngụy bị đẩy vào thế hạ phong.

Thậm chí, cuốn tiểu thuyết này còn xây dựng cho Tào Chân một cái kết không mấy tốt đẹp: Ông chết uất ức vì lá thư của Khổng Minh gửi tới nhục mạ. Tuy nhiên trong lịch sử, Tào Chân thực tế là một võ tướng tài năng xuất chúng.

Con nuôi của Tào Tháo: Từng đẩy lùi Gia Cát Lượng, khiến Tư Mã Ý phải kiêng dè - Ảnh 1.

Tạo hình Tào Chân trong phim Tân Tam quốc diễn nghĩa.

Tào Chân chết chỉ vì “một bức thư”

Trong Tam quốc diễn nghĩa, đến năm Kiến Hưng thứ bảy nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng lại đem quân ra Kỳ Sơn, tiến vào bờ cõi nước Nguỵ. Lần này, vua Nguỵ cử Tào Chân làm đại đô đốc, Tư Mã Ý làm phó đô đốc, đem quân chống nhau với quân Thục. Gia Cát Lượng dùng mưu đánh cho Tào Chân thua một trận liểng xiểng. Sau nhờ có Tư Mã Ý đem quân đến cứu kịp thời, Tào Chân mới toàn mạng nhưng uất quá mà thành bệnh.

Con nuôi của Tào Tháo: Từng đẩy lùi Gia Cát Lượng, khiến Tư Mã Ý phải kiêng dè - Ảnh 2.

Gia Cát Lượng nổi tiếng túc trí đa mưu.

Tào Chân suýt mất mạng trong đám loạn binh nếu không nhờ Trọng Đạt đến cứu, quả thật là Trọng Đạt dụng binh vô cùng cẩn trọng, rất đáng làm đối thủ với Gia Cát Lượng.

Sau khi dò biết được Tào Chân đang lâm bệnh nặng, Gia Cát Lượng liền nảy ra một kế, dùng đòn tâm lý để hạ địch. Ông viết một phong thư sai quân mang sang trại Nguỵ đưa cho Tào Chân.

Trong thư, Gia Cát Lượng cười nhạo Tào Chân là đồ vô học, không biết dùng binh, liên tiếp thất bại thảm hại, còn mặt mũi nào gặp lại dân chúng Quan Đông, còn mặt mũi nào thăng đường nghị sự? Tào Chân xem xong, uất ức ngất xỉu, ngay đêm đó tắt thở trong trướng.

Chân dung vị võ tướng tài ba của tập đoàn Tào Ngụy

Tào Chân được biết tới là con nuôi của Tào Tháo. Khi bắt đầu trưởng thành, Tào Chân đã nhiều lần theo Tào Tháo đi săn. Cũng trong những cuộc săn bắn ấy, tài năng võ thuật xuất chúng của nhân vật này dần được bộc lộ.

Có giai thoại truyền lại rằng, trong một lần săn thú, Tào Chân bất ngờ bị cọp tấn công. Trong tình thế nguy cấp, ông đã hạ gục con thú dữ chỉ bằng một mũi tên.

Tận mắt chứng kiến tài năng hơn người của con nuôi, Tào Tháo âm thầm tán thưởng trong lòng. Cũng nhờ lần ấy, Tào Chân sau này được bổ nhiệm làm thống lĩnh của đội Hổ Báo kỵ - đội quân tập hợp toàn những tinh binh khét tiếng dưới trướng Tào Tháo.

Vừa có thực tài lại vừa được cha nuôi trọng dụng, những thành tựu quân sự của Tào Chân được đánh giá là vô cùng to lớn. Trong suốt nhiều năm chinh chiến, ông đã được thăng chức lên làm Trấn Tây tướng quân.

Tài năng vượt trội của ông có thể so sánh với số ít những đại tướng nổi danh thời bấy giờ. Mỗi khi đương đầu với địch trên chiến trường, có rất ít đối thủ có thể làm khó vị tướng họ Tào này.

Trong chiến dịch đại phá và bình định Khương Hồ, chiến công của Tào Chân càng thêm lừng lẫy. Sau khi đại thắng trở về, ông được Tào Phi bổ nhiệm làm Trung Quân Đại tướng quân.

Từ đó có thể thấy, thái độ của Tào Phi đối với người anh em không cùng dòng máu này còn tốt hơn nhiều so với những huynh đệ ruột thịt khác.

Con nuôi của Tào Tháo: Từng đẩy lùi Gia Cát Lượng, khiến Tư Mã Ý phải kiêng dè - Ảnh 3.

Mặc dù không có máu mủ với gia tộc họ Tào, nhưng Tào Chân vẫn được các vị quân chủ nhà Ngụy vô cùng tin tưởng.

Trước lúc qua đời, Ngụy Văn Đế Tào Phi đã để lại di chiếu lệnh cho Tào Chân được quyền phụ chính. Lời phó thác này cũng đã chứng minh sự tín nhiệm gần như tuyệt đối mà vị Hoàng đế ấy dành cho người con nuôi của cha mình.

Sau khi Tân đế lên ngôi, Tào Chân một lần nữa được phong làm Đại tướng quân, tước Thiệu Lăng hầu.

Năm 228, Thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt, Tào Chân nhận thấy Gia Cát Lượng sẽ tấn công Trần Thương, lệnh tướng Hác Chiêu trấn thủ, quả nhiên Gia Cát Lượng đánh Trần Thương và bị bại, không thể làm gì ngoài thoái binh. Sau trận này, Tào Chân được tấn phong Đại tư mã, quyền uy tối thượng.

Thông qua những minh chứng lịch sử này, có thể thấy rõ Tào Chân không hề yếu đuối như hình tượng trong Tam quốc diễn nghĩa.

Nếu so sánh với một người cũng mang thân phận con nuôi như Lữ Bố, Tào Chân luận về tài năng chưa chắc đã thua kém, nhưng lòng trung thành của ông chắc chắn vượt xa Lữ Phụng Tiên.

Khiến Tư Mã Ý cũng phải kiêng dè

Con nuôi của Tào Tháo: Từng đẩy lùi Gia Cát Lượng, khiến Tư Mã Ý phải kiêng dè - Ảnh 4.

Tư Mã Ý.

Tào Chân (? – 231), biểu tự Tử Đan, là một vị tướng của tập đoàn Tào Ngụy vào thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông là cha của Tào Sảng – một đại thần dưới thời Ngụy Phế Đế Tào Phương.

Có xuất phát điểm là một thành viên trong gia tộc Tào thị, lại sở hữu tài năng xuất chúng, Tào Chân sau đó đã trở thành chỉ huy của Hổ Báo kỵ – đội quân tinh nhuệ sở hữu sức chiến đấu được cho là mạnh nhất nhì Tam quốc.

Trong tập đoàn chính trị Tào Ngụy, Tào Chân từng làm tới chức Đại tư mã và sở hữu quyền lực cùng địa vị rất có sức ảnh hưởng trong triều.

Khác với hình tượng của một vị tướng "càng đánh càng thua" như trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Chân ngoài đời thực đã từng đánh lui Gia Cát Lượng và cũng nhiều lần ra mặt áp chế Tư Mã Ý.

Theo sử liệu, ngày 16 tháng 3 năm 230, Đại tư mã Tào Chân nhận thấy Thục Hán quấy nhiễu biên cương không có lợi, bèn kiến nghị công chiến Thục Hán, Minh Đế Tào Duệ chấp thuận ý kiến này. Tào Chân từ Trường An tiến quân, còn Tư Mã Ý từ Hán Thủy tiến quân, đến Tà Cốc sẽ đồng loạt tiến công Thục Hán. Tuy nhiên trời đổ mưa, cuộc hành quân tạm hoãn. Ngay sau đó, Tào Chân đột nhiên mắc bệnh, phải về Lạc Dương.

Tháng 4 năm 231, Đại tư mã Tào Chân qua đời, thụy là Nguyên hầu.

Theo nhận định của báo Phượng Hoàng, nếu nhân vật này có thể sống lâu hơn thì có lẽ âm mưu chiếm đoạt quyền hành của Tư Mã Ý phải mất nhiều năm sau đó mới có thể thành công.