Hình ảnh vệ tinh thương mại được các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến hạt nhân James Martin, trụ sở tại California, Mỹ phân tích cho thấy công việc xây dựng các giếng phóng tên lửa (silo) đang được gấp rút hoàn tất tại nhiều địa điểm trên sa mạc ở tỉnh Cam Túc.
Các nhà nghiên cứu phát hiện 119 địa điểm xây dựng giống như giếng phóng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Thiết kế của các điểm xây dựng mới rất giống với các giếng phóng chứa ICBM đã được biết đến của Trung Quốc.
Việc xây dựng hơn 119 giếng phóng như vậy khi hoàn thành sẽ đại diện cho một sự thay đổi lịch sử đối với Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là có kho chứa vũ khí hạt nhân khiêm tốn so với Mỹ và Nga, khoảng 250-350 đầu đạn hạt nhân.
Các nhà nghiên cứu không thể biết bao nhiêu trong số các giếng phóng đang xây dựng sẽ chứa ICBM, vì chúng có thể là các giếng giả để đánh lừa tình báo nước ngoài.
Những năm Chiến tranh Lạnh, Mỹ phát triển một kế hoạch di chuyển ICBM của họ qua một ma trận những giếng phóng giả, để đảm bảo rằng tình báo Liên Xô không bao giờ biết được con số chính xác nơi tên lửa được triển khai.
“Việc đồng loạt xây dựng các giếng phóng mới cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh để củng cố năng lực hạt nhân”, Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí hạt nhân Trung Quốc, người tham gia phân tích các bức ảnh vệ tinh, nói.
Hình ảnh vệ tinh về việc xây dựng giếng phóng của Trung Quốc lần đầu được phát hiện bởi nhà phân tích hình ảnh Decker Eveleth.
Ông đã lùng sục các bức ảnh trên vùng tây bắc Trung Quốc và đã tìm thấy những điểm bất thường. Chuyên gia Lewis mô tả quy mô của việc xây dựng là “đáng kinh ngạc”.
“Nếu tính cả những giếng phóng đang được xây dựng tại các địa điểm trên khắp Trung Quốc, con số có thể lên đến 145”, ông Lewis nói.
Trong bản tóm tắt về những phát hiện của mình cung cấp cho Washington Post, ông Lewis nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân của mình nhằm duy trì sức mạnh răn đe, và Bắc Kinh có thể tung ra cuộc tấn công đầu tiên với số lượng tên lửa đủ đánh bại hệ thống phòng thủ của Mỹ”.
Phát hiện này được đưa ra sau những cảnh báo gần đây của các quan chức Lầu Năm Góc về những tiến bộ nhanh chóng của năng lực hạt nhân Trung Quốc.
“Trung Quốc đang mở rộng ngoạn mục, bao gồm kho ICBM cố định trong lòng đất và bệ phóng di động mới có thể lẩn trốn sự săn lùng của vệ tinh”, trích báo cáo của đô đốc Charles Richard, tư lệnh lực lượng hạt nhân Mỹ, tại phiên điều trần trước Quốc hội trong tháng 4.
Dự án xây dựng các giếng phóng có thể cung cấp cho Trung Quốc phương tiện che giấu phần lớn các vũ khí hạt nhân mạnh mẽ của họ.
Các địa điểm xây dựng được phát hiện qua vệ tinh được bố trí trên 2 khu vực rộng lớn, bao gồm một phần sa mạc kéo dài đến phía nam Ngọc Môn - thành phố với 170.000 dân, nằm trên con đường tơ lụa cổ xưa của Trung Quốc.
Một vài giếng phóng được xây dựng chỉ cách hơn 3 km từ biên giới nước láng giềng. Các vị trí xây dựng được che giấu dưới một mái vòm lớn. Một số địa điểm giống trung tâm điều khiển đang được xây dựng.
Nhà phân tích Lewis nhận định các giếng phóng mới có thể chứa ICBM mới nhất của Trung Quốc là DF-41.
Đây là loại tên lửa có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân nhắm mục tiêu độc lập, tầm bắn khoảng 14.000 km, có khả năng tấn công lục địa Mỹ khi bắn từ Trung Quốc.
Công việc xây dựng các giếng phóng được tiến hành từ đầu năm nay, nhưng quá trình chuẩn bị có thể mất nhiều tháng trước đó.
Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không phản hồi email và fax của Washington Post. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về hình ảnh vệ tinh, hoặc đánh giá của tình báo Mỹ.
John Supple, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói: “Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã công khai lên tiếng về khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng quy mô sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới”.
Các giếng phóng có nhược điểm là dễ bị phát hiện qua ảnh vệ tinh và chúng có thể bị phá hủy bằng tên lửa dẫn đường chính xác trong những giờ đầu của cuộc chiến tranh hạt nhân.
Do đó, nhà phân tích Lewis thấy rằng dự án xây dựng giếng phóng quy mô lớn như một phần của chiến lược mở rộng năng lực răn đe của quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn so với Mỹ và Nga.
Mỹ và Nga có khoảng 11.000 đầu đạn hạt nhân. Thay vì tham gia vào cuộc chạy đua hạt nhân tốn kém với Mỹ và Nga, Trung Quốc trong nhiều năm đã chấp nhận học thuyết “răn đe có giới hạn”.
Điều này tập trung xây dựng lực lượng hạt nhân tuy khiêm tốn, nhưng đủ mạnh để đảm bảo khả năng trả đũa trước bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số quan chức Trung Quốc đã phàn nàn về khả năng răn đe hạt nhân khiêm tốn của họ, trong khi Nga, Mỹ đang xúc tiến các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.
Nhà phân tích Lewis nhận định việc ồ ạt xây dựng các giếng phóng có thể là một chiến lược đánh lừa của Trung Quốc. Nó giúp che giấu khuyết điểm về số lượng tên lửa và đầu đạn hạt nhân ít ỏi, khi di chuyển qua một mạng lưới các giếng phóng.
Nhưng sự xuất hiện ồ ạt của các giếng phóng tên lửa có thể làm tăng áp lực lên các quan chức Mỹ, để tăng tốc độ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và kho vũ khí thông thường của Mỹ.