Hiện tại, Hoàng Nhật đang hết mình theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư máy tính.
Chuẩn bị 12 năm cho hành trình ‘leo núi’
Hoàng Nhật biết đến chương trình 'Đường lên đỉnh Olympia' lúc 5 tuổi. Khi đó, nhìn các anh chị đứng trên sân khấu và trả lời các câu hỏi hóc búa, cậu rất cảm kích. Lên lớp 3, Nhật bắt đầu theo dõi chương trình một cách nghiêm túc và đều đặn hơn, mạnh dạn trả lời các câu hỏi trên tivi cùng với mẹ. Đến lớp 7, chàng thiếu niên Đức Phổ có cơ hội được tiếp xúc với các anh, chị từng thi Olympia các năm trước. May mắn được các anh, chị hướng dẫn, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết để chinh chiến tại đấu trường này, Nhật bắt đầu có niềm tin và động lực nhiều hơn về việc mình sẽ chinh phục đỉnh Olympia. Cuối tháng 10/2020, Hoàng Nhật quyết định gặp Ban Giám hiệu nhà trường để trình bày về ước mơ của bản thân, đề đạt với các thầy để mình được trao cơ hội.
Việc chuẩn bị của Nhật bắt đầu từ lúc cậu lên lớp 7, tham gia các cuộc thi với nội dung tương tự 'Đường lên đỉnh Olympia' trên các nền tảng mạng xã hội, hay các phần mềm do các anh chị có kinh nghiệm đứng ra tổ chức. Ngoài ra, việc theo dõi đều đặn chương trình vào chiều Chủ nhật mỗi tuần, nghiên cứu các câu hỏi mà chương trình đặt ra, đọc thêm tài liệu, sách báo về những kiến thức lí thú và mới lạ cũng là một cách mà Nhật chuẩn bị cho cuộc thi này.
Có lẽ, khó khăn lớn nhất tại thời điểm đó mà Nhật gặp phải là tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Hà Nội. Khi đó, Đài Truyền hình Việt Nam quy định, trong các buổi ghi hình, sẽ không có khán giả và chỉ có một người đồng hành cùng thí sinh được vào trường quay. Rào cản về dịch bệnh suýt chút nữa khiến Nhật phải từ bỏ ước mơ suốt 11 năm qua.
“Điều tiếc nuối nhất là mình không thể trở thành đại diện đầu tiên của trường THPT Số 1 Đức Phổ đặt chân đến vòng thi Quý. Việc bản thân mất bình tĩnh trong phần thi ‘Tăng tốc’ của cuộc thi Tháng, khiến tâm lý về sau của mình không được ổn định. Tuy nhiên, mình cũng đã hoàn thành được những mục tiêu nho nhỏ khác. Đó là, kết thân với nhiều người bạn mới, có thêm được những kiến thức quý báu và những kinh nghiệm vô cùng đáng giá, được gặp trực tiếp hai anh chị MC ngoài đời... Tất cả, đối với mình, đều là những trải nghiệm và cảm xúc mà có lẽ sẽ không bao giờ quên trong suốt 12 năm đèn sách của bản thân”, Nhật hoài niệm.
Phấn đấu không ngừng nhưng không kiệt sức
Bí quyết để Nhật học tập tốt, đó là chỉ làm đầy đủ những nghĩa vụ của một học sinh. Lắng nghe bài giảng, ghi chép cẩn thận, tham gia xây dựng tiết học bằng cách đặt ra câu hỏi, nêu ý kiến của mình... Hỗ trợ về mặt kiến thức cho các bạn khác cũng là cách giúp Nhật có thể nhắc lại kiến thức đó một lần nữa, in sâu hơn vào trí nhớ. Lúc rảnh rỗi, Nhật thường suy nghĩ một vấn đề, khái niệm gì đó trong cuộc sống mà trước giờ cậu đã gặp. Sau đó, tự nghiên cứu trên Wikipedia hoặc các tài liệu có trên Internet để tích lũy kiến thức cho bản thân, cũng như phục vụ cho việc tham dự cuộc thi 'Đường lên đỉnh Olympia'.
Ngay từ khi bước chân vào ngôi trường THCS và được tiếp xúc với bộ môn Tin học, Nhật đã có niềm đam mê mãnh liệt đối với máy tính. Khát khao được trở thành một kỹ sư máy tính của Nhật càng lớn hơn khi Nhật tìm hiểu về ngành Khoa học Máy tính thông qua các bài báo trên mạng, xu hướng nghề nghiệp trong 5 - 10 năm tới. Nhật cũng quan tâm và nghiên cứu những vấn đề cơ bản về hệ thống máy tính, các hệ thống tin học, những ứng dụng hay một số phần mềm có giá trị thực tiễn cao, được triển lãm trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật tổ chức hằng năm. Tuy là một chuyên ngành được đánh giá là khá khó, nhưng Nhật muốn thử thách bản thân bằng tất cả khả năng và trí tuệ của mình.
“Hiện tại, mình sẽ ưu tiên để hoàn thành tốt các môn học trong khoảng thời gian đại học và trau dồi khả năng ngoại ngữ. Nếu có thời gian, mình dự định sẽ dùng những kiến thức về lập trình học được để tự viết những chương trình đơn giản nhằm phục vụ học tập cho các bạn học sinh, sinh viên. Mình hy vọng, trước khi ra trườn, mình sẽ hoàn thành được mục tiêu này”, Nhật bộc bạch.