Dân Việt

Những điểm trường không lạnh

Minh Phong 21/12/2022 10:52 GMT+7
 “Những điểm trường không lạnh” không chỉ là câu nói vui, mà còn là phương châm, quyết tâm vượt khó của của giáo viên vùng cao.

Đã có nhiều việc làm thiết thực để chống rét cho học trò, bảo đảm tỷ lệ chuyên cần.

Những ngày qua, các tỉnh miền núi phía Bắc chìm trong giá rét. Thay vì hàng loạt học sinh phải nghỉ học ở nhà tránh rét, ở nhiều trường học, tại những điểm bản xa xôi - nơi nhiệt độ “lạnh thấu xương” thì lớp học vẫn vang vọng tiếng thầy – trò. Gắn bó với lớp học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy, cô giáo đích thực là “người mẹ hiền”. Ở đó có tình thầy – trò ấm áp. Thầy, cô luôn dành sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia và hết lòng vì học trò. Giáo viên, nhà trường luôn tìm mọi cách để bảo vệ, “sưởi ấm” cho học trò.

Những điểm trường không lạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa Internet.

Trước khi mùa đông đến, thầy cô đã chủ động rà soát, củng cố lại phòng học, che chắn cẩn thận tránh gió lùa nhưng vẫn phải bảo đảm ánh sáng. Cùng với đó, các trường học kiểm kê chăn, đệm ấm cho hoạt động bán trú của học sinh. Việc này được tiến hành kỹ càng ở từng điểm trường. Với những chăn đắp bị cũ, giáo viên sẽ tận dụng làm đệm. Cùng với đó, nhà trường bổ sung chăn mới để bảo đảm đủ ấm cho các em.

Nhiều giáo viên còn tích cực vận động nhà hảo tâm tặng quần áo, giày, tất, chăn… cho nhà trường. Tại điểm trường lẻ, điều kiện lớp học chưa bảo đảm, thầy cô còn kiếm củi đốt lửa sưởi ấm, không tổ chức hoạt động ngoài trời vào những ngày giá rét. Có những trường huy động phụ huynh góp củi, thầy cô góp công để tạo ra những bếp lửa “thần kỳ” trong mùa Đông buốt rét.

Theo đó, hàng ngày mỗi phụ huynh sẽ đóng góp ít củi cho nhà trường. Giáo viên chịu trách nhiệm đốt lửa, sưởi ấm, nhất là vào ban đêm để học sinh nội trú tránh rét. Tuy có vất vả khi phải trông coi bếp lửa, song các thầy cô giáo cũng thấy ấm lòng khi nhận lại được sự tin yêu, đặc biệt là tinh thần hiếu học của học trò.

Sự chăm sóc chu đáo, ân ần, tỉ mỉ của thầy, cô giáo được phụ huynh ghi nhận, tin tưởng. Vì thế, phụ huynh đồng tình, hưởng ứng và động viên con em mình đến trường đầy đủ, chăm chỉ học tập. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần luôn bảo đảm, dù thời tiết có giá lạnh.

Để thuận lợi cho việc dạy – học trong thời tiết khắc nghiệt, nhiều địa phương, trường học đã điều chỉnh thời gian vào lớp. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã được triển khai, áp dụng đúng và trúng đối tượng.

Cũng nhờ chính sách này mà sau mỗi buổi học, thay vì học sinh phải băng rừng, lội suối để “ngược sơn” về nhà, các em được ở lại trường, trong những căn phòng ấm áp có đủ những điều kiện phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đây là ngôi nhà thứ 2 của học sinh vùng cao và các em sẽ vững bước đi lên từ chính nơi này.