Ngày 21/12, tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương vừa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Mục đích nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại.
Với kế hoạch này, tỉnh Đồng Nai yêu cầu người nuôi chó, mèo có trách nhiệm như tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi; đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; cam kết nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.
Đặc biệt chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm, có người dắt đề phòng cắn người, từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng, gắn chíp) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine dại.
Đặc biệt, địa phương tăng cường tuyên truyền cho người nuôi thường xuyên tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng để tránh các trường hợp đáng tiếc, gây mất an toàn cho người dân.
UBND cấp huyện ra quyết định thành lập đội bắt chó chạy rông của địa phương để bắt giữ, xử lý các trường hợp chó, mèo thả rông ngoài đường không có người chăn dắt, không có dây xích, không đeo rọ mõm, chưa tiêm vaccine phòng dại. Tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm trong quản lý nuôi chó, mèo theo quy định.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng, tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm, có nguy cơ nhiễm bệnh dại nhưng chưa được tiêm vaccine dại phải được điều trị dự phòng. Mỗi huyện, thành phố phải có ít nhất 1 điểm tiêm vaccine dại có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nguồn lực cho điều trị dự phòng, đảm bảo đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng. Tổng kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2022-2030 là hơn 29,9 tỷ đồng.
Được biết mới đây vào ngày 15/12, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn. Bệnh nhân bị chó cắn là chị N.T.Y (SN 1974, ngụ TP.Biên Hòa).
Theo thông tin điều tra dịch tễ, khoảng 4 tháng trước chị Y. bị chó nhà hàng xóm cắn. Vết cắn ở vị trí trên môi và dưới cánh mũi bên phải, tình trạng vết cắn nông/chảy máu ít, không đau.
Sau khi bị chó cắn, chị Y. có thực hiện rửa vết thương bằng nước muối sinh lý nhưng sau đó vì bận đi làm và chủ quan nên đã không đi đến cơ sở y tế khám và điều trị, cũng như không tiêm vaccine dại/huyết thanh kháng dại.
Tối 12/12, chị Y. có các biểu hiện sợ nước, sợ gió, hốt hoảng. Đến ngày 13/12 được người thân đưa nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và được chẩn đoán mắc bệnh dại. Sáng nay 15/12, chị Y. tử vong.
Bà Nguyễn Thị Thương ngụ TP.Biên Hòa nói rằng nên xử lý nghiêm tình trạng thả rông chó không rọ mõm vì gây mất an toàn cho người dân. Bà Thương cho biết thường mỗi tối bà hay đi thể dục nhưng nhiều lần bị chó đuổi cắn.
“Giờ nhiều nhà nuôi chó lớn, rất hung dữ, nếu không rọ mõm có khả năng cắn người rất cao. Đã có nhiều vụ chó cắn chết người nên giờ cần làm nghiêm tránh điều đáng tiếc xảy ra”, bà Thương nhấn mạnh.
Tương tự chị Lê Xuân chia sẻ chị thường ra công viên chơi và hay bắt gặp chó không được rọ mõm, không có dây xích đi tự do ở công việc. Nhiều con chó còn gầm gừ, tấn công trẻ em nên chị ái ngại việc cho con chơi ở nơi công cộng vì sợ mất an toàn.
“Tôi hi vọng cả tỉnh đồng loạt làm nghiêm thì mới hạn chế được tình trạng người dân thiếu ý thức, thả chó chạy rông, dắt chó không rọ mõm ra đường. Còn việc tiêm phòng dại cho chó mèo tôi nghĩ quá cần thiết vì nó bảo vệ cho chủ trước, sau đó bảo vệ cho người dân khác”, chị Xuân nói.
Theo bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, bệnh dại là bệnh nhiễm virus dại cấp tính (Rhabdovirus), gây độc hệ thần kinh trung ương, do lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt từ động vật mắc bệnh dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh dại không lây từ người sang người mà thường lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước).
Sau khi người bị động vật dại cắn, thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 1-2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Khi bị nhiễm virus, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp.
Do đó nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Sau đó tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Lưu ý tránh làm tổn thương rộng hơn, không gây giập nát vết thương, cũng không khâu kín ngay vết thương. Nếu bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn vết khâu trong vài giờ đến 3 ngày nhằm hạn chế sự xâm nhập của virus dại vào cơ thể.
Bác sĩ cũng khuyến cáo khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vaccine ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian như: bôi dầu gió, dầu hỏa, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu... Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác do làm bẩn vết thương.